1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cựu điệp viên Nga khó bình phục hoàn toàn sau nghi vấn bị đầu độc

(Dân trí) - Cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal được cho đã qua cơn nguy kịch, song các chuyên gia về chất độc cho rằng ông sẽ chịu nhiều tổn hại về sức khỏe và có thể không trở lại bình thường như trước đây.

Cảnh sát Anh mang một số mẫu vật để kiểm tra sau vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc (Ảnh: PA)
Cảnh sát Anh mang một số mẫu vật để kiểm tra sau vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc (Ảnh: PA)

Theo thông tin từ bệnh viện Salisbury ở Anh, cựu điệp viên Nga Sergei Skripal gần đây đã qua cơn nguy kịch sau khi bị phát hiện bất tỉnh bên ngoài trung tâm mua sắm ở Salisbury hôm 4/3. Giới chức Anh cho rằng ông Skripal, 66 tuổi, đã bị trúng độc thần kinh Novichok do Liên Xô sản xuất từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh trong khi Moscow cho đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc này.

Chất độc thần kinh là vũ khí chiến tranh hóa học nguy hiểm nhất. Chúng tác động tới hệ thần kinh trung ương bằng cách làm gián đoạn kết nối giữa bộ não với các cơ quan nội tạng và cơ bắp. Người trúng độc thường bị ngạt thở và suy tim, dẫn tới tử vong.

Chất độc thần kinh đầu tiên

Lịch sử chất độc thần kinh kéo dài từ năm 1936 khi chất độc thần kinh đầu tiên có tên tabun được nhà hóa học người Đức Gerhard Schrader chế tạo. Ông Shrader nghiên cứu hợp chất phốt phát cho Đức với mục đích ban đầu là tìm ra loại thuốc trừ sâu phù hợp nhằm tăng sản lượng thu hoạch. Nhà hóa học này nhanh chóng phát hiện ra rằng tabun là loại chất quá độc nếu được sử dụng trong nông nghiệp vì có thể giết chết bất kỳ ai tiếp xúc với chúng. Tuy nhiên chỉ một năm sau đó, ông Schrader thậm chí còn phát triển một chất độc thần kinh thậm chí còn nguy hiểm hơn tabun, đó là sarin.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Anh, Mỹ và Liên Xô đã được tiếp cận với các công nghệ hóa học của Đức và nhiều nhà khoa học Đức bắt đầu làm việc cho các nước thắng cuộc. Vào thời điểm đó, tabun và sarin cũng bộc lộ những hạn chế khi chúng dễ bị bốc hơi và phân hủy khi tiếp xúc với nước, từ đó nhanh chóng biến mất sau quá trình sử dụng. Các nhà khoa học bắt đầu nghĩ cách để chế tạo các loại chất tồn tại được lâu hơn. Sau đó, những chất độc thần kinh mới đã được phát triển ở Anh trong thập niên 1950, bao gồm chất VX nổi tiếng.

Chất độc Novichok

Lối vào phòng thí nghiệm Porton Down của Anh, nơi được cho là từng thử nghiệm nhiều loại vũ khí hóa học, năm 1968. (Ảnh: Getty)
Lối vào phòng thí nghiệm Porton Down của Anh, nơi được cho là từng thử nghiệm nhiều loại vũ khí hóa học, năm 1968. (Ảnh: Getty)

Nivochok có nghĩa là “tân binh” trong tiếng Nga và được cho là nằm trong nhóm chất độc thần kinh do Liên Xô phát triển từ thập niên 1970 và 1980. Nhóm chất độc này được gọi là vũ khí hóa học thế hệ 4 và được cho là thuộc một chương trình mang mật danh “Foliant” của Liên Xô. Sự tồn tại của Novichok chỉ được biết đến vào năm 1991 khi Vil Mirzayanov, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Khoa học Công nghệ và Hóa hữu cư của Nga, bỏ trốn sang phương Tây và tiết lộ những thông tin về chất độc này.

Các chất độc thần kinh, bao gồm Novichok, đều hoạt động theo cách thức giống nhau. Sau khi tiếp xúc với cơ thể người, chất độc thần kinh sẽ tấn công enzyme kiểm soát acetylcholine vốn chuyển thông điệp từ dây thần kinh tới cơ, từ đó dẫn tới hiện tượng quá tải acetylcholine và gây rối loạn cơ.

Thông thường, các nạn nhân bị trúng độc thần kinh thường được điều trị bằng cách chạy máy hỗ trợ tim, phổi, đồng thời truyền thuốc atropine để cơ thể hồi phục và khôi phục hoạt động bình thường của các cơ quan. Atropine có tác dụng giảm một số triệu chứng nhiễm độc bằng cách ngăn chặn acetylcholine dư thừa.

“Theo chúng tôi biết, không có thuốc giải độc đặc trị cho chất độc thần kinh Novichok”, chuyên gia về vũ khí hóa học Ralf Trapp cho biết.

Tuy nhiên nếu được truyền atropine kịp thời, sau một thời gian, cơ thể nạn nhân có thể đào thải bớt chất độc thần kinh và bắt đầu sản xuất enzyme mới để kiểm soát acetylcholine như bình thường.

“Nghiên cứu mới cho thấy nạn nhân có thể mất tới 2 tuần để lấy lại một phần enzyme phù hợp nhằm khôi phục chức năng thần kinh thông thường. Nếu tiếp xúc với liều lượng (chất độc) cao, quá trình hồi phục có thể mất nhiều thời gian hơn và đó có thể là lý do giải thích cho việc ông Skripal đến bây giờ mới bắt đầu hồi phục”, chuyên gia Chris Norris thuộc Trung tâm chống độc y tế của Đại học Newcastle nhận định.

Khả năng hồi phục

Cựu điệp viên Sergei Skripal (Ảnh: Sun)
Cựu điệp viên Sergei Skripal (Ảnh: Sun)

Theo chuyên gia Norris, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị ngay lập tức như trong trường hợp của cựu điệp viên Skripal, khả năng hồi phục sau khi nhiễm chất độc thần kinh “thường là rất tốt”. Tuy nhiên, những tổn hại về lâu dài vẫn không thể tránh khỏi.

Theo Jean-Pascal Zanders, chuyên gia về vũ khí sinh học tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp, một số nạn nhân có thể gặp khó khăn suốt đời trong việc tập trung hay đọc sách.

Trước đó, chuyên gia hóa học Michelle Carlin tại Đại học Northumbira, Anh cho biết các tổn thương về thần kinh lâu dài từng được ghi nhận đối với nhiều trường hợp bị nhiễm độc, bao gồm những người sống sót sau vụ tấn công bằng khí độc sarin trên tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật Bản năm 1995.

“Hệ quả của chất độc thần kinh bao gồm việc làm chậm quá trình tư duy, giảm khả năng vận động và các vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết liệu những hệ quả này có xảy ra với trường hợp của cựu điệp viên Nga hay không”, chuyên gia Carlin nhận định.

So với các chất độc thần kinh phổ biến khác như sarin, Novichok ít được biết đến, do vậy liều lượng, hệ quả và cách điều trị loại chất độc này cũng khó xác định hơn. Một trong số các chất thuộc nhóm Novichok là A-230 - chất độc được cho là có độ độc cao gấp 5-8 lần so với chất độc thần kinh VX.

“Loại chất độc này nguy hiểm và tinh vi hơn so với chất độc sarin hoặc VX. Nó cũng khó phát hiện hơn”, Giáo sư Gary Stephens, chuyên gia dược tại Đại học Reading, cho biết.

Thành Đạt

Theo Independent, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm