1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nghịch lý trong nghi vấn cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh

(Dân trí) - Mặc dù nghi vấn cựu điệp viên hai mang Nga bị đầu độc tại Anh vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, song các thông tin mới xuất hiện gần đây đã phần nào cho thấy những điểm nghịch lý trong vụ việc gây tranh cãi này.

Ông Sergei Skripal đi mua sắm tại một cửa hàng trước khi bị tấn công hôm 4/3 (Ảnh: Sun)
Ông Sergei Skripal đi mua sắm tại một cửa hàng trước khi bị tấn công hôm 4/3 (Ảnh: Sun)

Sự hồi phục kỳ diệu

Theo Sputnik, thông tin đáng chú ý nhất trong tuần này liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia nghi bị đầu độc ở Anh là cả hai cha con ông Skripal đều đã qua cơn nguy kịch, thậm chí đang có dấu hiệu hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Truyền thông Nga nhận định thông tin về tình hình sức khỏe được cải thiện của cha con cựu điệp viên Nga sẽ gây ngạc nhiên lớn cho các chuyên gia về vũ khí hóa học của Anh, Thủ tướng Anh Theresa May và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson - những quan chức cho rằng ông Skripal và con gái bị đầu độc bằng chất độc thần kinh quân sự do Nga chế tạo với khả năng sống sót rất thấp.

Truyền thông Anh và Mỹ từng mô tả chất độc thần kinh nghi được sử dụng để tấn công cựu điệp viên Nga là loại chất độc có khả năng gây chết người cao nhất. Báo New York Times ngày 13/3 đã đăng một bài viết với tiêu đề “Chất độc thần kinh nguy hiểm chết người tới mức không ai dám sử dụng, cho đến khi có người nào đó sử dụng” và đăng kèm bức ảnh chụp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trên nền cờ Nga.

Tuy nhiên, sau khi xuất hiện tin sức khỏe cha con ông Skripal được cải thiện, truyền thông phương Tây bắt đầu chuyển hướng và đặt ra những câu hỏi khó hiểu như làm thế nào ông Skripal và con gái có thể vượt qua vụ tấn công gây chết người như vậy. Washington Post thậm chí còn đặt tiêu đề cho một bài viết gần đây rằng “Tại sao cha con ông Skripal không chết?”. Các chuyên gia về y học và chất độc đã lý giải cho Washington Post và các báo khác rằng, sự phục hồi của cựu điệp viên Nga và con gái ông là nhờ khả năng chăm sóc y tế tuyệt vời của các y bác sĩ tại bệnh viện ở thành phố Salisbury - nơi họ bị tấn công hôm 4/3.

Dòng tweet khó hiểu

Đại sứ quán Nga tại Anh đăng bức ảnh chụp dòng trạng thái bị xóa trên Twitter của Bộ Ngoại giao Anh và đặt nghi vấn về việc này (Ảnh: Twitter)
Đại sứ quán Nga tại Anh đăng bức ảnh chụp dòng trạng thái bị xóa trên Twitter của Bộ Ngoại giao Anh và đặt nghi vấn về việc này (Ảnh: Twitter)

Cáo buộc của Anh cho rằng Nga đứng sau vụ tấn công cựu điệp viên tiếp tục bị “phản pháo” trong tuần này sau khi lãnh đạo phòng thí nghiệm quân sự Porton Down của Anh, ông Gary Aitkenhead, thừa nhận các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm không thể xác minh nguồn gốc của chất độc thần kinh xuất phát từ Nga như chính phủ Anh cáo buộc.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Anh đã xóa một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter đăng vào ngày 22/3, trong đó nói rằng các nhà khoa học ở cơ sở nghiên cứu quân sự Porton Down xác định chất độc thần kinh dùng để đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái được sản xuất ở Nga. Đại sứ quán Nga tại Anh ngay lập tức đăng tải bức ảnh chụp dòng trạng thái bị xóa và đặt câu hỏi: "Tại sao Bộ Ngoại giao Anh xóa dòng tweet?".

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh, thông tin trong cuộc họp của Đại sứ Anh tại Moscow vào ngày 22/3 được đăng trực tiếp lên mạng xã hội Twitter và Bộ Ngoại giao Anh đã đăng lại thông tin này nhằm giải thích vụ đầu độc xảy ra ở Salisbury cho người dân. Tuy nhiên người phát ngôn cho biết “một trong số những đoạn tweet bị cắt xén thông tin và không phản ánh chính xác phát ngôn của đại sứ, vì vậy dòng tweet đó đã được gỡ bỏ”.

Chất độc được sản xuất ở Nga?

Ngay cả khi lãnh đạo phòng thí nghiệm Porton Down đã lên tiếng xác nhận không thể truy được nguồn gốc chính xác của chất độc thần kinh khả nghi, một số báo của Anh vẫn tiếp tục đưa tin nói rằng họ biết địa chỉ “phòng thí nghiệm bí mật của Nga” - nơi bị nghi sản xuất chất độc thần kinh. Báo Sun dẫn “các nguồn tin an ninh” giấu tên cho biết chất độc này có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm tình báo nước ngoài SRV tại vùng Yasenevo ở Moscow. Trong khi đó, báo Times khẳng định địa điểm chế tạo chất độc là một phòng thí nghiệm ở Shikhany, Saratov - nơi cách Moscow 730 km về phía đông nam.

Những đồn đoán này dường như chấm dứt vào ngày hôm qua 7/4 sau khi đại diện Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học Mikhai Babich ra thông báo cho biết các vũ khí hóa học chưa bao giờ được sản xuất hay lưu trữ tại cơ sở nghiên cứu Shikhany.

Vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc đã khiến quan hệ giữa Moscow và phương Tây trở nên căng thẳng trong suốt những tuần vừa qua. Ít nhất 28 nước, trong đó có Mỹ và nhiều nước châu Âu, đã tuyên bố trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga. Đáp lại, Nga cũng tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có 60 nhà ngoại giao của Mỹ, đồng thời đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St.Petersburg.

Sergei Skripal, 66 tuổi, từng phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Ông Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010. Ông Skripal và con gái Yulia bị phát hiện trong trạng thái bất tỉnh trên băng ghế ở bên ngoài trung tâm mua sắm tại thành phố Salisbury hôm 4/3.

Thành Đạt

Theo Sputnik