1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu đại tá Mỹ: Ukraine từng sẵn sàng đáp ứng điều kiện hòa bình của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Douglas MacGregor cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng sẵn sàng đáp ứng một số điều kiện hòa bình của Nga hồi tháng 3.

Cựu đại tá Mỹ: Ukraine từng sẵn sàng đáp ứng điều kiện hòa bình của Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Khi các phái đoàn đàm phán của Ukraine và Nga gặp nhau ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3, đã xuất hiện thông tin về một thỏa thuận tiềm năng, trong đó Kiev sẵn sàng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và đồng ý trung lập, để đổi lấy việc Nga rút khỏi các chiến tuyến trước tháng 2. Vài ngày sau, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã phát hiện bằng chứng về tội ác chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine do lực lượng Nga tiến hành và các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà sử học quân sự Michael Vlahos, được công bố hôm 10/12, Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Douglas MacGregor cho biết Anh phải chịu trách nhiệm về việc kết thúc đột ngột các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

 "Chúng tôi có bằng chứng cho thấy vào cuối tháng 3, ông Zelensky đã nói: "Tốt, chúng tôi có thể trung lập". Nhưng khi tuyên bố đó đến tai Washington và London, các nhà chức trách đã trở nên vô cùng tức giận. (Cựu Thủ tướng Anh) Boris Johnson đại diện cho lợi ích của Washington và nói rằng: "Tuyệt đối không, chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng. Các bạn phải giữ vững lập trường của mình và chiến đấu vì từng tấc đất của Ukraine"", ông MacGregor kể lại.

Ông MacGregor không phải quan chức Mỹ đầu tiên nói rằng Tổng thống Zelensky đã sẵn sàng cho thỏa thuận hòa bình với Nga hồi tháng 3. Fiona Hill, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, từng là giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về châu Âu và Nga trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, hồi tháng 9 nói rằng "giải pháp tạm thời" đã được thống nhất ở Istanbul.

Hồi tháng 5, truyền thông Ukraine cũng cho rằng sự sụp đổ của các cuộc đàm phán là do áp lực mà cựu Thủ tướng Anh áp đặt lên Kiev. Ông Johnson đã đến Kiev vào ngày 9/4 trong một chuyến thăm không báo trước. Theo trang tin Ukrainskaya Pravda, ông Johnson đã nói với các nhà lãnh đạo rằng "ngay cả khi Ukraine sẵn sàng ký một số thỏa thuận hòa bình với Nga, phương Tây vẫn không ủng hộ".

Gần 10 tháng sau khi xung đột nổ ra, Tổng thống Zelensky đã ra sắc lệnh dừng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời tuyên bố sẽ giành lại tất cả khu vực bỏ phiếu sáp nhập vào Nga hồi tháng 9, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga năm 2014.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn sẵn sàng đàm phán, nhưng hồi tháng 10 nói rằng các cường quốc phương Tây cũng phải tham gia vào quá trình đàm phán, vì một thỏa thuận có thể bị "hủy bỏ ngay lập tức theo lệnh" từ phương Tây nếu chỉ có Ukraine tham gia.

Nga nhiều lần tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Ukraine đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine