1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu Đại sứ Mỹ David Shear: Trung Quốc hăm dọa các nước ở Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc đã gia tăng xây dựng các cơ sở trái phép ở Biển Đông, hăm dọa các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền và phớt lờ luật pháp quốc tế, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nhận định.

Cựu Đại sứ Mỹ David Shear: Trung Quốc hăm dọa các nước ở Biển Đông - 1

Ông David Shear (trái) trong một bức ảnh chụp tại Washington D.C năm 2015 (Ảnh: AP)

Ông David Shear, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2011-2014, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cựu phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đã đưa ra nhận định về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong cuộc trao đổi trực tuyến về thế giới tương lai hậu đại dịch Covid-19 do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức tối ngày 8/6.

Theo ông Shear, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy chiến lược kiểm soát Biển Đông, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát. Bắc Kinh tiếp tục hăm dọa các nước cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, xây dựng các cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa và trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, phớt lờ luật pháp quốc tế, với mục đích cuối cùng là muốn giành một vị thế mạnh hơn, đặc biệt là về quân sự ở Biển Đông.

Ông Shear nhấn mạnh, Trung Quốc không chỉ gia tăng các hành động ở Biển Đông so với trước đây để phục vụ các đòi hỏi về chủ quyền, mà rõ ràng là còn đe dọa các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và cũng đe dọa các bên tuyên bố chủ quyền khác.

“Trong khi các nước khác chú trọng đối phó đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình để gia tăng các hành động để phục vụ các tuyên bố chủ quyền của nước này”, ông nhấn mạnh.

Nhận định về các hành xử của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19, ông Shear cho rằng Bắc Kinh đã thực hiện chiến lược ngoại giao hung hăng trong khu vực và cả trên thế giới. Bắc Kinh tích cực quảng bá chiến lược riêng của mình nhằm đối phó với Covid-19.

“Họ đã xuất khẩu chiến lược đối phó với Covid-19 tới các nước khác thông qua ngoại giao khẩu trang, hỗ trợ kinh tế, và có thể là cả giãn, xóa nợ cho các quốc gia đang phát triển vốn phụ thuộc vào Trung Quốc về vốn. Bắc Kinh rất tích cực tận dụng các lợi thế này và cũng hung hăng trong các hành động, kể cả các hành động ở Biển Đông”, ông Shear nói.

Việt Nam có thể thu hút đầu tư từ Mỹ

Cựu Đại sứ Shear nhận định, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rất chú trọng tới quan hệ với khu vực Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, và sự gia tăng hợp tác giữa Mỹ và các đối tác và đồng minh đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của khu vực.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Shear cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, nhằm đảm bảo rằng các quốc gia Đông Nam Á luôn thịnh vượng, độc lập và vững mạnh. Theo ông Shear, đó là những cụm từ mà chính quyền Barack Obama thường sử dụng để miêu tả quan hệ với Việt Nam và chính quyền Trump hiện thời cũng tiếp tục sử dụng những cụm từ này.

Cựu Đại sứ Shear nói ông rất ấn tượng với nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với dịch Covid. Ông cho rằng Việt Nam đối phó với Covid-19 rất tích cực và thế giới rất chú ý tới sự thành công kỳ diệu của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh. Theo ông, đây không chỉ là thành công của chính phủ trung ương mà ở cả cấp độ địa phương. Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

“Tôi muốn chúc mừng những người bạn Việt Nam không chỉ về thành công trong ứng phó với đại dịch mà còn về việc thúc đẩy môi trường kinh doanh để chào đón các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam”, ông nói.

Nhận định về xu hướng hợp tác hậu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, ông Shear cho rằng có thể nhìn thấy xu hướng các công ty nước ngoài cân nhắc chuyển các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể trở thành một trong những điểm đến kế tiếp đón nhận dòng đầu tư từ Mỹ.

Ông Shear cũng lưu ý về các tín hiệu thương mại tích cực giữa Việt Nam trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020. Ngoài ra, tại Việt Nam, ông Shear nhận thấy có 5 đặc khu kinh tế mới đã được khởi công xây dựng trong năm nay, nhiều hơn so với cả năm 2019. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng trong cuộc trao đổi trực tuyến, ông Nelson Cunningham, người từng phục vụ tại Nhà Trắng với tư cách là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Bill Clinton, cho rằng Mỹ nên thúc đẩy quan hệ với ASEAN dựa trên các nền tảng như quan hệ thương mại, hợp tác song phương, và điều quan trọng nhất là quan hệ nhân dân. Theo ông, quan hệ nhân dân với Đông Nam Á là nền tảng để Mỹ củng cố sự ảnh hưởng trong khu vực.

Ông Cunningham chia sẻ ông đã đi khắp Đông Nam Á và nhận thấy mối quan hệ giữa các cộng đồng Đông Nam Á với Mỹ rất mạnh mẽ, và Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu. Ông nói, dù Mỹ và Việt Nam đã trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu, Mỹ đã gây những tổn thất vô cùng lớn đối với Việt Nam và ông rất lấy làm tiếc về điều đó, nhưng ông nhận thấy quan hệ giữa nhân dân hai nước vẫn rất tốt đẹp. Kể về chuyến Việt Nam cùng vợ 26 năm trước, vào năm 1994, trong kỳ nghỉ trăng mật, ông và vợ đã rất xúc động với tình cảm nồng hậu của người dân Việt Nam. Ông cho rằng Mỹ có thể thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên cơ sở quan hệ nhân dân đó.

An Bình