Cuộc phản công của Ukraine mới "ở cuối hiệp 1", chiến sự còn ở phía trước
(Dân trí) - Qua hơn một năm kể từ khi chiến sự bùng nổ, cuộc xung đột Ukraine đã có nhiều bước thay đổi lớn. Tâm điểm hiện nay là chiến dịch phản công của Kiev đang diễn ra.
Phương Tây ra sức giúp Ukraine lật ngược tình thế
Mục tiêu then chốt của chính phủ các nước phương Tây là giúp Ukraine đảo ngược thế cờ.
Mỹ, châu Âu và các quốc gia đồng minh khác đã cung cấp nhiều khoản viện trợ lớn về kinh tế và ngày càng chuyển cho Kiev những vũ khí tối tân, có uy lực hơn nhằm giúp Ukraine có thể tự mình chiến đấu, đương đầu với Nga.
Để tránh khiêu khích Moscow và giảm thiểu nguy cơ xung đột trực tiếp giữa NATO với các lực lượng Nga, phương Tây lựa chọn rất kỹ loại vũ khí viện trợ, sẵn sàng đáp ứng hầu hết những gì Ukraine yêu cầu, nhưng không phải là tất cả.
Tuy nhiên, trước những diễn biến mới mang tính bước ngoặt, ngoài vũ khí thông thường, tới đây Mỹ và châu Âu có thể sẽ tăng cường cung cấp nhiều hơn nữa phương tiện thiết giáp, pháo, đạn dược, các hệ thống phòng không cải tiến, thậm chí là cả một số phi đội máy bay chiến đấu thế hệ 4.
Dù vậy, đó không phải là lựa chọn đúng đắn duy nhất mà phương Tây có thể làm. Cách tốt nhất để kết thúc cuộc xung đột là sẵn sàng chuẩn bị cho quá trình đàm phán dài hơi, để có lợi thế trên bàn thương lượng, phương Tây cần tiếp tục viện trợ, giúp Ukraine có khả năng chiến đấu vô tận với những kết quả tích cực.
Có nhận định cho rằng quyết định lựa chọn theo đuổi chính sách này là không thực tế hoặc không đúng trọng tâm. Họ cho rằng Nga không thể bị đánh bại bởi vì có nguồn lực dồi dào hơn để tung vào cuộc chiến, và Moscow quyết tâm bằng mọi giá không để thua.
Cuộc phản công mới "ở cuối hiệp 1"
Mới đây, trong một bài phỏng vấn với tạp chí Foreign Affairs, trả lời câu hỏi "Ukraine đang ở giai đoạn nào của cuộc chiến", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói: "Đang ở cuối hiệp 1". Và dường như trong hiệp 2, chiến sự chắc chắn sẽ bùng nổ.
Hiện nay viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine được cho là đã bị cắt giảm đáng kể, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraine điểm lại. Ông Reznikov nói: "Chúng tôi đề nghị, liệu chúng tôi có tên lửa Stinger, và được trả lời rằng: "Không, hãy đào hào và gây thiệt hại cho Nga càng nhiều càng tốt trước khi mọi thứ kết thúc".
Có người nghĩ việc chúng tôi chiến thắng là không thể. Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine vẫn đang trụ vững và tiếp tục chiến đấu. Mỹ, các quốc gia châu Âu cùng những nước đồng minh của Ukraine thực tế đang cung cấp hàng loạt vũ khí tinh vi hơn, ông Reznikov khẳng định.
"Ukraine có tên lửa Stinger, rồi pháo phản lực HIMARS, và hệ thống phòng thủ Patriot - loại tên lửa tôi từng chứng kiến đã bắn hạ tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, vũ khí mà Nga coi là không thể đánh chặn", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ thêm.
Ông Reznikov nói tiếp, hiện nay Ukraine có Bradley, Stryker, Abrams, Leopard, và nhiều vũ khí hiện đại khác nữa. Thậm chí, tới đây, lực lượng cơ giới (Ukraine) sẽ được tiêm kích F-16 yểm trợ.
Hiện nay, các lữ đoàn cơ giới hóa cao, được trang bị tốt của Ukraine đang tham gia chiến dịch phản công, đối mặt với quân đội Nga đang suy yếu.
Moscow có nhiều nguồn lực nhưng chưa biết cách sử dụng sao cho hiệu quả. Không có gì bất ngờ về chiến thuật của họ. Người Nga đang sử dụng cách tiếp cận cổ điển thời Liên xô, chẳng có gì thay đổi.
Các nguồn lực của Moscow đang bị thu hẹp do tiêu hao và do bị cấm vận, và chính vì nguyên nhân này, các lực lượng của họ đã không còn khả năng tấn công đáng kể. Lực lượng Ukraine có thể sẽ tấn công thẳng vào phòng tuyến kiên cố, và Nga dường như phòng thủ tốt hơn là tấn công.
Các quan chức ở Kiev không tin rằng chỉ bằng chiến dịch phản công này có thể kết thúc cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: "Mục tiêu của chúng tôi là đánh bật lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Nếu chiến dịch tấn công đạt được điều đó thì cuộc xung đột sẽ kết thúc. Nếu không, sẽ còn có nhiều chiến dịch nữa được triển khai. Nếu các nguồn cung vũ khí của chúng tôi bị cắt đứt, Ukraine sẽ chuyển sang tác chiến ở cường độ thấp. Chúng tôi sẽ không đầu hàng, chúng tôi sẽ không chấp nhận mất lãnh thổ".
Cũng giống Nga, người Ukraine coi cuộc xung đột này không chỉ là để thử nghiệm vũ khí mà còn là để thử thách ý chí quyết tâm.
Giao tranh còn căng thẳng
"Đây chưa phải là trận đánh cuối cùng của cuộc chiến", quan chức quốc phòng cấp cao Ukraine nhận định. Kiev có kế hoạch chiến lược rõ ràng.
Khi cuộc tiến công này kết thúc, Ukraine có thể sẽ đột phá qua chiến tuyến Nga, giành lại quyền kiểm soát đáng kể với nhiều vùng lãnh thổ và đặt lực lượng của mình vào thế đe dọa mạnh mẽ với những khu vực còn lại mà Nga đã kiểm soát từ lâu, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Để làm được điều đó, các đồng minh của Kiev cần chuẩn bị cho Ukraine năng lực để tiến hành những cuộc phản công tiếp theo.
Có thể mất nhiều năm để đạt được mục tiêu và cái giá mà Ukraine cũng như các đồng minh phương Tây sẽ phải trả là rất cao. Nhưng rõ ràng là, từ cuộc xung đột này, NATO có thể đánh giá đúng thực lực của mình cũng như đối phương (Nga), và rút ra được các bài học kinh nghiệm vô giá trong chiến tranh hiện đại như tính toán lượng vật tư cần có cho tới điều quan trọng hơn là làm sao phối hợp được những công nghệ quân sự và thương mại.
Điều này vô cùng cần thiết để có thể sáng tạo bền bỉ và phát triển được các loại vũ khí linh hoạt, đa dụng, uy lực cao.
Thành công trên chiến trường luôn là màn quảng cáo không thể hữu hiệu hơn đối với bất cứ hệ thống vũ khí nào, và hiệu quả chiến đấu ở Ukraine cho thấy yêu cầu đối với các vũ khí pháo binh, thiết giáp và phòng không tối tân của phương Tây sẽ chỉ ngày càng tăng lên.
Cuộc xung đột cũng đã giúp chỉ ra những thiếu sót đối với ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây, nhưng điều đó đến đúng lúc để họ có thể sửa chữa, trước khi các tình huống nguy cấp xảy ra.