Cuộc đảo chính lúc tờ mờ sáng ở Myanmar
(Dân trí) - Quân đội Myanmar đã giành quyền kiểm soát đất nước sau khi bắt giữ các quan chức cấp cao của chính quyền dân sự lúc rạng sáng ngày 1/2.
Cuộc đảo chính lúc rạng sáng
Reuters dẫn lời người phát ngôn đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD), Myo Nyunt, cho biết quân đội đã bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng hàng loạt quan chức cấp cao khác của chính quyền vào rạng sáng 1/2.
Trong một tuyên bố trên truyền hình sau đó, quân đội Myanmar xác nhận việc bắt giữ này, đồng thời cho biết Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing sẽ tạm nắm toàn bộ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thời gian tình trạng khẩn cấp , Phó tổng thống Myint Swe, vốn là một tướng quân đội, cũng được chỉ định làm tổng thống lâm thời.
Động thái này đánh dấu việc quân đội Myanmar giành lại quyền kiểm soát chính quyền sau khi trao lại quyền lực cho một chính phủ bán dân sự của cựu tướng Thein Sein, một người theo đuổi cải cách.
Nguồn cơn khiến quân đội bắt giữ quan chức chính quyền
Quân đội Myanmar đã phát đi tín hiệu về đảo chính từ tuần trước khi người phát ngôn quân đội Myanmar Zaw Min Tun cảnh báo, quân đội sẽ "hành động" và sử dụng mọi phương án có thể để khiếu nại kết quả bầu cử, trong đó có phương án đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp.
Trong tuyên bố phát đi sáng nay, quân đội Myanmar cho biết, họ bắt giữ các quan chức của chính quyền dân sự, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, nhằm phản đối kết quả bầu cử mà họ cho là gian lận hồi cuối năm ngoái.
Trong cuộc bầu cử hôm 8/11 năm ngoái, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, trong khi đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) do quân đội thành lập trước khi từ bỏ nắm quyền lãnh đạo đất nước cách đây 10 năm, chỉ giành được 33 trong tổng số 476 ghế ở quốc hội.
Quân đội cáo buộc có bầu cử gian lận và đề nghị điều tra. Tuy nhiên, NLD nói rằng cáo buộc đó là vô căn cứ và không thể thay đổi được kết quả. Ủy ban bầu cử Myanmar cũng khẳng định cuộc bầu cử hoàn toàn minh bạch và công bằng.
Bà Aung San Suu Kyi là ai?
Lãnh đạo NLD, bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, là một chính trị gia kỳ cựu đồng thời là một nhà hoạt động dân chủ từng đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 1991.
Sau khi bị chính quyền quân đội quản thúc 15 năm, bà Suu Kyi đã dẫn dắt NLD giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 và lập ra một chính phủ dân sự đầu tiên ở Myanmar sau nhiều thập niên. Điều này làm dấy lên hy vọng một sự thay đổi lớn ở Myanmar.
Theo hiến pháp, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống do có chồng và con mang quốc tịch nước ngoài. Mặc dù vậy, bà vẫn được cho là lãnh đạo thực sự của Myanmar với chức danh chính thức là Cố vấn Nhà nước. Danh tiếng của bà Suu Kyi đã có phần giảm sút những năm gần đây do cách phản ứng với cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya.
Tổng tư lệnh quân đội nắm quyền điều hành đất nước
Sau chính biến ngày 1/2, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, 64 tuổi, tạm nắm quyền điều hành đất nước.
"Ông ấy ít nói và thường kín tiếng", một bạn học của ông Min Aung Hlaing chia sẻ với Reuters. Ông Min Aung Hlaing nắm quyền điều hành quân đội từ năm 2011 khi quân đội bắt đầu chuyển giao quyền lực cho chính quyền bán dân sự. Các nhà ngoại giao ở Yangon cho biết, trong khoảng thời gian từ đó đến nay, ông Min Aung Hlaing đã có một sự chuyển biến đáng kể từ một quân nhân ít nói thành một chính trị gia và người của công chúng. Ông Min Aung Hlaing dùng mạng xã hội để công khai các hoạt động và các cuộc gặp gỡ với quan chức.
Vị Tổng tư lệnh quân đội Myanmar này không có ý sẽ từ bỏ quy định quân đội được nắm ít nhất 25% ghế trong quốc hội, cũng như không có ý định cho phép bất cứ thay đổi nào với điều khoản hiến pháp cấm bà Suu Kyi trở thành tổng thống.
Theo hiến pháp Myanmar, tổng tư lệnh quân đội có thể nắm quyền trong những trường hợp nghiêm trọng có thể kéo theo "sự tan rã của liên minh, sự tan rã của đoàn kết dân tộc và mất quyền chủ quyền". Tuy nhiên, khả năng này chỉ xảy ra trong tình trạng khẩn cấp do tổng thống tuyên bố. Tuần trước, tướng Min Aung Hlaing phát biểu với các binh sĩ rằng, hiến pháp là "luật mẹ của tất cả các luật", nếu không được tuân thủ, nó phải bị thu hồi.