1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Cuộc chiến" triệu tập đại sứ Trung Quốc - phương Tây sau loạt đòn trả đũa

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc và các nước phương Tây đã triệu tập đại sứ và cảnh cáo lẫn nhau sau khi đồng loạt công bố các lệnh trừng phạt.

Cuộc chiến triệu tập đại sứ Trung Quốc - phương Tây sau loạt đòn trả đũa - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Ảnh: China Daily).

Pháp ngày 22/3 đã thông báo triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lu Shaye vì những bình luận mà Pháp cho là "những lời lẽ xúc phạm và đe dọa liên tục" nhằm vào các nhà lập pháp và nhà nghiên cứu Pháp.

Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đã gọi một nhà nghiên cứu Pháp có quan điểm chỉ trích chính sách Đài Loan của Bắc Kinh là kẻ "lưu manh". Bắc Kinh cũng tỏ ra giận dữ sau khi một nhóm thượng nghị sĩ Pháp công bố kế hoạch tới thăm Đài Loan.

Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước phương Tây leo thang sau khi Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada ngày 22/3 đã áp lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Tân Cương, trong khi Mỹ cũng có động thái trừng phạt tương tự. Các nước phương Tây đồng loạt chỉ trích Trung Quốc về vấn đề liên quan tới cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã lập tức công bố các lệnh trừng phạt đáp trả EU và các nước phương Tây. Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức của châu Âu, trong đó có các chính trị gia, cùng với Ủy ban An ninh - Chính trị Hội đồng châu Âu, Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện châu Âu, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức và Quỹ Liên minh Dân chủ Đan Mạch.

Italy ngày 23/3 cho biết sẽ "nối gót" các nước thành viên EU và triệu tập Đại sứ Trung Quốc để trao đổi về các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.

"Đại sứ Trung Quốc tại Rome sẽ được triệu tập vào ngày mai, liên quan tới các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đối với Liên minh châu Âu", Bộ Ngoại giao Italy cho biết.

Đức cũng triệu tập Đại sứ Trung Quốc Wu Ken và có cuộc gặp khẩn cấp tại Bộ Ngoại giao Đức.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, Đại sứ Trung Quốc được trao đổi rằng, các lệnh trừng phạt của Trung Quốc nhằm vào các cơ quan của nghị viện châu Âu, các nhà khoa học, các tổ chức chính trị cũng như các tổ chức phi chính phủ đã cho thấy căng thẳng leo thang trong mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc.

Tại Brussels, một nguồn tin của chính phủ Bỉ tiết lộ Đại sứ Trung Quốc dự kiến dự một cuộc họp vào ngày 23/3 để trao đổi về các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh nhằm vào nhà lập pháp nước này.

Bộ Ngoại giao Lithuania cũng triệu tập Đại sứ Trung Quốc, sau khi một trong số các nhà lập pháp nước này bị liệt vào danh sách trừng phạt của Bắc Kinh.

Tại Copenhagen, Đại sứ Trung Quốc Feng Tie được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Đan Mạch sau khi Trung Quốc áp lệnh trừng phạt với một tổ chức phi lợi nhuận nước này.

Thụy Điển cũng có động thái tương tự với Trung Quốc, sau khi một nhà nghiên cứu Thụy Điển bị Bắc Kinh trừng phạt.

Trung Quốc trả đũa phương Tây

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần này đã triệu tập Đại sứ EU và Đại sứ Anh để phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng trao công hàm phản đối tới Mỹ và Canada.

Sau khi công bố lệnh trừng phạt đối với hàng loạt cá nhân và tổ chức của châu Âu, Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ tiếp tục có các biện pháp đáp trả cho tới khi EU nhận thức được "sai lầm" của mình. Bắc Kinh cảnh báo các nước phương Tây sẽ phải "trả giá" vì trừng phạt Trung Quốc.

"Các nước không nên đánh giá thấp quyết tâm kiên định của người Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích và giá trị quốc gia", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo ngày 23/3.