1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến ngầm bên trong Nhà Trắng

(Dân trí) - Đấu đá nội bộ nhằm tranh giành ảnh hưởng là chuyện không mới ở Nhà Trắng và cũng không là ngoại lệ với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon. (Ảnh: Reuters)

Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon. (Ảnh: Reuters)

Bộ ba quyền lực

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền vốn ít kinh nghiệm của ông Trump ra sức tìm cách ghi “dấu ấn” ngay từ những ngày đầu. Mạng tin Prospect Magazine dẫn nguồn tin thân cận cho biết, bộ ba đứng sau Tổng thống Trump được cho là đang chi phối Nhà Trắng là 3 cố vấn cấp cao của ông gồm Steve Bannon, Stephen Miller và Rick Dearborn.

Prospect Magazine bình luận, ông Trump thiếu kiên định như các tổng thống Cộng hòa tiền nhiệm như Ronald Reagan hay George W Bush. Điều này khiến ông sẵn sàng nghe theo ý kiến của người khác, mà cụ thể là Steve Bannon, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, hay Stephen Miller - cố vấn cấp cao, hay Rick Dearborn - người quản lý đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump và hiện là Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng.

Đặc biệt, ông Bannon đã trở thành “tai mắt” của Tổng thống Trump nhờ những đóng góp trong suốt chiến dịch tranh cử. Ít xuất hiện trên truyền hình hay trong các cuộc hội họp của giới chức cấp cao ở Washington, nhưng Steve Bannon, một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, được cho là đứng sau hầu hết những quyết định gây tranh cãi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Ông ấy rất hiểu biết về công chúng Mỹ và tại sao ông Trump đắc cử, ông ấy nói với Tổng thống Trump về điều thực sự khiến công chúng Mỹ phẫn nộ, điều mà họ thực sự quan tâm”, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani nói. “Steve Bannon điều khiển tiếng nói của Trump. Ông ấy đưa ra những thứ mà ông ấy biết tổng thống sẽ thích, rồi đặt nó vào trong ngôn từ mà tổng thống sẽ muốn nói ra”, một người thân cận cho biết.

Ông Bannon cùng với 2 đồng minh khác là Stephen Miller và Rick Dearborn cũng được cho là tác giả của bài diễn văn nhậm chức “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump. Ngoài ra, ông Bannon có thể đã dùng ảnh hưởng của mình để khiến Tổng thống Trump phải dành cho ông một ghế trong Hội đồng an ninh quốc gia - nơi mà quy chế thành viên chỉ dành cho các quan chức quốc phòng hay ngoại giao.

Đấu đá nội bộ


Phía sau Tổng thống Mỹ Donald Trump là cuộc đấu đá nội bộ giữa hai trợ lý cấp cao. (Ảnh minh họa: Getty)

Phía sau Tổng thống Mỹ Donald Trump là cuộc đấu đá nội bộ giữa hai trợ lý cấp cao. (Ảnh minh họa: Getty)

Cuộc đấu đá nội bộ ở Nhà Trắng thể hiện rõ rệt ở hai phe, một phe do cố vấn Bannon đứng đầu, phe còn lại do Chánh văn phòng Reince Priebus đứng đầu.

Điều đáng nói là ông Bannon dường như đang ở vị thế cao hơn Priebus mặc dù thông thường Chánh văn phòng Nhà Trắng là người có thể hạn chế quyền lực của tất cả các cố vấn cấp cao khác của Tổng thống. Đứng sau hàng loạt sắc lệnh gây tranh cãi gần đây của chính quyền, ông Bannon càng cho thấy sự củng cố quyền lực của mình. Alexandra Preate, phát ngôn viên của ông Bannon, được cho là sắp tới sẽ đảm nhận vai trò trợ lý truyền thông và chánh văn phòng riêng cho ông - một động thái cho thấy nỗ lực xây dựng một “lãnh địa” riêng nằm ngoài kiểm soát của ông Priebus.

Sự đấu đá phe phái này có thể sẽ không có lợi cho Tổng thống Trump với một chính quyền còn hết sức non nớt về chính trường.

Bình luận về những tin tức liên quan đến cuộc đấu đá nội bộ, cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway khẳng định, những thông tin này là không chính xác.

Minh Phương

Theo Prospect Magazine, The Hill, New Yorker