1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cú bắt tay quân sự của Nga - Ấn có thể khiến cả Mỹ và Trung Quốc "cân não"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Việc Nga và Ấn Độ công bố thỏa thuận hợp tác quân sự quy mô lớn được đánh giá là động thái có thể khiến cho cả Trung Quốc và Mỹ phải cân nhắc cách ứng phó.

Cú bắt tay quân sự của Nga - Ấn có thể khiến cả Mỹ và Trung Quốc cân não - 1

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (phải) tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại New Delhi hồi tuần trước (Ảnh: EPA).

Quan hệ thân thiết lịch sử giữa Ấn Độ và Nga từng trải qua một giai đoạn phức tạp vì những yếu tố địa chính trị, nhưng hội nghị thượng đỉnh tuần trước giữa Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy ý định xích lại gần nhau hơn nữa của cả 2 bên. Và động thái này có thể khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải "cân não".

Ông Harsha Kakar, một tướng về hưu trong lục quân Ấn Độ, cho biết cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo cho thấy, dù Nga có quan hệ tương đối gần gũi với Trung Quốc và Ấn Độ có xu hướng xích lại gần phương Tây, thì mối quan hệ mà Moscow và New Delhi đã vun đắp trong nhiều năm qua không nên bị xói mòn bởi những thay đổi về địa chính trị.

Kể từ sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Moscow đã xu hướng nâng cao quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh họ bị phương Tây áp lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Ấn Độ lại gia tăng hợp tác với các đối tác phương Tây, bao gồm tham gia vào nhóm "Bộ Tứ" với Mỹ, Nhật Bản và Australia - động thái được xem là để ứng phó với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng leo thang kể từ giữa năm ngoái sau cuộc giao tranh chết người ở khu vực biên giới tại Himalaya.

Trong cuộc gặp tuần trước, hai nhà lãnh đạo đã ký 28 thỏa thuận trong các lĩnh vực như than đá, đóng tàu, dầu mỏ… Nga và Ấn Độ cũng cam kết sẽ tăng quy mô thương mại song phương lên 30 tỷ USD và đầu tư lẫn nhau lên 50 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Modi và ông Putin đã ký hợp đồng trong đó cho phép Ấn Độ sản xuất hơn 600.000 khẩu súng trường tấn công AK-203 của Nga cho quân đội của phía New Delhi. Hai nước cũng mở rộng thỏa thuận hợp tác kỹ thuật - quân sự có thể hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ quốc phòng giữa 2 bên trong 10 năm tới.

Kể từ năm 1991, Nga đã bán cho Ấn Độ số vũ khí tổng trị giá 70 tỷ USD. Dù con số này có xu hướng giảm những năm qua do Ấn Độ đã nỗ lực sản xuất vũ khí nội địa, nhưng cả 2 bên vẫn hợp tác trong các dự án phát triển vũ khí chung từ tên lửa hành trình siêu thanh tới tàu hộ vệ tàng hình.

Tình hình địa chính trị phức tạp

Cú bắt tay quân sự của Nga - Ấn có thể khiến cả Mỹ và Trung Quốc cân não - 2

Nga đã bán tổ hợp phòng không S-400 cho Ấn Độ (Ảnh: RT).

Tổ hợp phòng không S-400 Ấn Độ mua của Nga được các chuyên gia xem là ví dụ điển hình của tình hình địa chính trị phức tạp mà 2 bên đang đối mặt.

Ấn Độ được cho muốn đặt S-400 tại gần Đường kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LoC), nhằm đáp trả việc Trung Quốc được cho đã đưa S-400 cũng mua của Nga tới Tân Cương và Tây Tạng. Ông Kakar nhận định rằng, hệ thống S-400 của Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới phòng không của nước này trong tranh chấp về chủ quyền với 2 nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân là Trung Quốc và Pakistan.

Alexey Kuprianov, chuyên gia tại Học viện khoa học Nga, nhận định rằng việc Nga để cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng sở hữu S-400 là nhằm làm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh bằng việc để 2 bên cân bằng về mặt sức mạnh. Ngoài ra, ông cho rằng, việc nâng cao quan hệ với Ấn Độ là "cơ hội để Nga tiếp tục xoay trục về châu Á mà không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc".

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất có thể có vấn đề với việc Ấn Độ có S-400. Năm 2017, Mỹ từng ra đạo luật CAATSA nhằm trừng phạt những cá nhân và thực thể có "giao dịch quy mô lớn" với lĩnh vực quốc phòng của Nga. Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400 của Nga.

Tuy nhiên, có một khả năng là Ấn Độ sẽ không bị trừng phạt như 2 nước trên. Các nhà làm luật của Washington đã kêu gọi chính phủ nước này không áp lệnh trừng phạt lên đối tác của Mỹ trong "Bộ Tứ". Các chuyên gia cũng nhận định rằng, Mỹ có thể sẽ có động thái miễn trừng phạt với Ấn Độ.

Dù kịch bản miễn trừ trừng phạt sẽ được áp dụng với Ấn Độ, căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine có thể sẽ tiếp tục làm tình hình thêm phức tạp. Trong những tuần qua, Mỹ cáo buộc Nga đưa gần 100.000 quân tới gần biên giới Ukraine và có ý định tấn công Kiev, cáo buộc mà Moscow mạnh mẽ bác bỏ.

Trong kịch bản căng thẳng Nga - Mỹ leo thang, chuyên gia Richard Rossow của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, Mỹ sẽ cố gắng tránh đặt Ấn Độ vào vị trí khó xử và không yêu cầu New Delhi tham gia vào lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Washington có thể sẽ thúc đẩy Ấn Độ giảm bớt quan hệ với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Tướng Kakar cho rằng, Ấn Độ sẽ không làm như vậy. "Bất kể chuyện gì xảy ra với bên thứ 3, tôi cho rằng quan hệ Nga và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển. Sẽ không có chuyện quan hệ này bị trì hoãn hoặc đi lùi", ông nói.