1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bộ Tứ "chênh vênh" vì bài toán cân bằng của Ấn Độ với Mỹ - Nga - Trung

Mỹ Lệ

(Dân trí) - Trong khi Ấn Độ tham gia nhóm Bộ Tứ với Mỹ, Nhật Bản, Australia thì nước này cũng là một khách hàng vũ khí lớn của Nga và là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc thành lập.

Bộ Tứ chênh vênh vì bài toán cân bằng của Ấn Độ với Mỹ - Nga - Trung - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, Washington vào ngày 24/9  (Ảnh: Bloomberg).

Ấn Độ thúc đẩy thúc đẩy đa liên kết

Chính sách đối ngoại và quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi hiện nay tập trung vào cân bằng mối quan hệ nước lớn và thúc đẩy đa liên kết, trong đó Ấn Độ duy trì ảnh hưởng của mình ở cả hai phe, dù điều này khiến cho nhóm Bộ Tứ (QUAD) không mấy dễ chịu.

Ấn Độ và Nga vốn đã duy trì quan hệ chiến lược lâu đời. Hiện nay, Nga là nhà cung cấp khí tài quân sự lớn của Ấn Độ và trong các hội nghị thượng đỉnh diễn ra hằng năm, hai bên đã từng công bố nhiều thỏa thuận lớn về vũ khí. Vào tháng 12 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tới thăm Ấn Độ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn và trao đổi các vấn đề về hợp tác song phương.

Trong cuộc tập trận chung Pitch Black năm 2018 giữa 3 bên Ấn Độ, Mỹ và Australia, Không quân Ấn Độ đã sử dụng máy bay chiến đấu phản lực Sukhoi Su-30MKI của Nga để tham gia diễn tập.

Mặc dù đang tích cực thắt chặt quan hệ với Australia, Nhật Bản và Mỹ trong nhóm Bộ Tứ, Ấn Độ vẫn đồng thời duy trì quan hệ hợp tác với Nga, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng có nhiều điểm bất đồng.

Giới phân tích nhận định rằng Mỹ có thể sẽ không áp đặt các lệnh trừng phạt Ấn Độ theo Đạo luật chống đối thủ (CAATSA). Nếu điều này xảy ra, các giao dịch quân sự giữa Nga - Ấn sẽ thực hiện thuận lợi hơn, đồng thời cho phép Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 của Nga, hệ thống có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa siêu thanh.

Không giống Mỹ, Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến cho Ấn Độ. Tuy nhiên, việc chuyển giao như vậy sẽ khiến đề xuất tổ chức các cuộc tập chung giữa các nước Bộ Tứ trở nên thách thức hơn.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng là thành viên thường trực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc thành lập vào tháng 6/2017. Ấn Độ thường xuyên tham gia các cuộc họp cấp bộ trưởng của nhóm, tập trung vào các vấn đề về hợp tác an ninh và kinh tế trong khu vực.

Tháng 11 năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh SCO đã thảo luận về tiến trình tăng cường hợp tác thông qua các dự án kết nối và công nghệ kỹ thuật số, bao gồm việc phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới.

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập tới sáng kiến của Trung Quốc về An ninh Dữ liệu Toàn cầu, đồng thời, đề xuất thành lập Trung tâm Chuyển giao Công nghệ của các quốc gia thành viên SCO tại Thanh Đảo đã được hội nghị tán thành và sẽ công bố vào tháng 12 này.

Trước động thái trên, Mỹ và các nước khác trong nhóm Bộ Tứ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ bởi việc áp dụng các sáng kiến của Trung Quốc sẽ làm suy yếu cấu trúc an ninh của QUAD trong khu vực.

Thế khó của Ấn Độ trong vai trò cân bằng

Sẽ rất khó cho Ấn Độ khi phải dung hòa các mục tiêu của SCO với các mục tiêu vốn có trong liên minh QUAD, bởi lẽ những căng thẳng trong Bộ Tứ không chỉ xuất phát từ các định hướng về an ninh quốc phòng mà còn do chính sách tập hợp lực lượng của mỗi bên.

QUAD luôn tuyên bố ủng hộ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và yêu cầu Bắc Kinh buộc phải tuân thủ. Tuy nhiên, là một trong 4 thành viên của Bộ Tứ, hành động của Ấn Độ lại cho thấy việc tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) là hoàn toàn "linh hoạt".

Mỹ chủ trương phản đối yêu sách của Trung Quốc và tích cực khuyến khích các đối tác QUAD tham gia các cuộc tập trận tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng New Delhi không phải thực hiện các yêu cầu tương tự.

Trước tình thế khó, Ấn Độ phải hóa giải nhiều "điểm nghẽn" khi tiếp tục quan hệ với cả Nga và Trung Quốc, đồng thời thực hiện cam kết của nước này với các mục tiêu của Bộ Tứ.

Rõ ràng, Ấn Độ đang đặt cược vào việc duy trì thế cân bằng trong quan hệ 2 phía, vì vậy không rõ QUAD sẽ dựa vào bao nhiêu trụ cột trong một môi trường quan hệ quốc tế, nơi sự tin tưởng, chia sẻ và thống nhất về mục đích là điều tối quan trọng.