1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cố vấn của ông Zelensky từ chức sau phát ngôn gây tranh cãi về tên lửa Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Aleksey Arestovich, đã nộp đơn xin từ chức sau phát biểu gây tranh cãi về vụ tập kích tên lửa của Nga vào thành phố Dnepr.

Cố vấn của ông Zelensky từ chức sau phát ngôn gây tranh cãi về tên lửa Nga - 1

Cố vấn cấp cao của tổng thống Ukraine, ông Alexey Arestovich (Ảnh: Reuters).

RT đưa tin, ông Arestovich đã gửi đơn từ chức lên chánh văn phòng của tổng thống Zelensky, ông Andrey Yermak, vào sáng 17/1. Ông nói đã thể hiện "một tấm gương về cách hành xử văn minh" khi từ chức. Hiện chưa rõ đơn của ông có được chấp nhận hay không.

Trước đó, ông Arestovich từng gây tranh cãi dữ dội trong dư luận Ukraine khi phát biểu trên sóng truyền hình về vụ tập kích tên lửa của Nga vào thành phố Dnepr cuối tuần qua. Theo đó, ông nói rằng, lực lượng Ukraine đã bắn rơi tên lửa của Nga trước khi vũ khí này được cho rơi xuống một tòa nhà chung cư, khiến hàng chục người thiệt mạng. Phát ngôn này đã khiến ông bị chỉ trích vì nhiều ý kiến cho rằng nó giống như là ông ám chỉ quân đội Ukraine liên quan tới vụ việc tên lửa rơi xuống tòa nhà.

Sau đó, ông mô tả phát biểu của mình là "một sai lầm nghiêm trọng, được thực hiện trong một buổi phát sóng trực tiếp".

Ông nói: "Mức độ phẫn nộ nhằm vào tôi không thể so sánh được với hậu quả của sai lầm trên sóng trực tiếp". Ông gửi lời xin lỗi tới những người "bị tổn thương sâu sắc" vì những phát ngôn của bản thân.

Trước đó, ông tuyên bố đã nhận được tin báo từ một chuyên gia quân sự giàu kinh nghiệm, người nói rằng đã nghe thấy tiếng nổ từ một tên lửa đánh chặn của Ukraine trước khi tên lửa của Nga bay vào tòa nhà chung cư ở Dnepr hôm 14/1.

Bộ Quốc phòng Ukraine phủ nhận thông tin trên và thừa nhận, họ không có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-22 của Nga. Ukraine cho biết Nga đã phóng hơn 200 quả tên lửa này kể từ đầu chiến sự vào cuối tháng 2 năm ngoái, nhưng Ukraine chưa bắn rơi được bất cứ quả nào.

Tướng Nikolai Oleshuk, Tư lệnh Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, thừa nhận rằng nước này không sở hữu hệ thống phòng không nào có khả năng đánh chặn và bắn hạ tên lửa Kh-22 của Nga.

Ông Oleshuk cho biết, chỉ có một số hệ thống phòng không nhất định từ các nước phương Tây như PAC-3 hoặc SAMP-T mới có thể theo dõi và bắn hạ những tên lửa như vậy.

Vào ngày 17/1, giới chức Ukraine cập nhật thông tin rằng, vụ tòa chung cư ở Dnepr trúng tên lửa hôm 14/1 đã làm ít nhất 40 người chết và 79 người bị thương, trong khi 25 người khác mất tích.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ chỉ tập kích các mục tiêu quân sự và một số cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cuối tuần qua. Nga cáo buộc tên lửa phòng không Ukraine đã rơi xuống tòa chung cư, gây ra thiệt hại cho dân thường. Ukraine chưa bình luận về nhận định này.

Trong khi đó, Ukraine cho rằng, việc Nga phải sử dụng tới tên lửa chống hạm và trước đó là tên lửa phòng không để tập kích mục tiêu mặt đất cho thấy Moscow dường như đang cạn kiệt kho vũ khí sau gần 11 tháng chiến sự khốc liệt.

Tuy nhiên, các nhận định của phương Tây và Ukraine trong thời gian quan liên quan tới kho vũ khí Nga đều chưa có bằng chứng cụ thể. Nga vẫn tiếp tục chiến thuật tập kích tên lửa diện rộng ở Ukraine trong thời gian qua khiến cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bị thiệt hại nghiêm trọng.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine