1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cơ phó đâm máy bay vào núi giống như "kẻ giết người hàng loạt"?

Vài ngày sau vụ chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U 9525 của hãng Germanwings đâm vào vách núi Alps làm 150 người thiệt mạng, nhiều chi tiết bắt đầu hé lộ về lịch sử đầy bất ổn của cơ phó Andreas Lubitz.

 
Cơ phó lái máy bay Airbus A320 Andreas Lubitz (Nguồn: Telegraph)
Cơ phó lái máy bay Airbus A320 Andreas Lubitz (Nguồn: Telegraph) 

Tờ Telegraph của Anh đã tổng hợp lại những gì mà người ta đã biết về Lubitz thông qua những tiết lộ của cơ quan điều tra, qua đó đặt giả thiết phải chăng động cơ của viên cơ phó biến anh ta thành một kẻ giống như một tên giết người hàng loạt?

Theo đó, trong suốt những phút cuối đời, Lubitz không nói một câu nào và người ta khó có thể biết anh ta đang nghĩ gì.

Ngồi trên ghế điều khiển chiếc Airbus A320, anh ta đưa tay trái xuống bảng điều khiển trung tâm và bật một công tắc khóa cánh cửa vào khoang lái, ngăn không cho cơ trưởng trở lại. Tiếp đó anh ta vươn người lên, thiết lập lại độ cao của máy bay, vặn núm điều chỉnh xuống 30 mét trên mực nước biển, cũng là mức thấp nhất có thể. Với việc chiếc máy bay đang hoạt động ở chế độ bay tự động, Lubitz chỉ ngả người trên ghế cơ phó và không làm bất kỳ điều gì khác.

Anh ta có thể đang nhắm nghiền mắt hoặt nhìn qua kính cửa sổ, khi chiếc A320 lao thẳng vào vách núi Alps với tốc độ 800km/h, giết chết tất cả những người ở trên nó. Trong 8 phút cuối cùng khi máy bay hạ độ cao, trong khi cơ trưởng nỗ lực tìm cách vào buồng lái, Lubitz vẫn giữ thái độ bình thản, không di chuyển.

Nhờ dữ liệu trích xuất từ thiết bị ghi âm buồng lái, người ta thấy rằng tất cả những gì thoát ra khỏi miệng Lubitz là nơi thở đều đặn, nhẹ nhàng của anh ta. Lubitz không giải thích vì sao anh ta lại thực hiện hành vi tự sát như vậy.

Thậm chí anh ta cũng không lẩm bẩm hay gào lên như những kẻ tiến hành thảm sát bình thường. Anh ta chỉ thở nhẹ nhàng, cho tới khi tiếng thở chìm xuống bởi âm thanh của một chiếc xà beng đang đập vào cánh cửa buồng lái - khi cơ trưởng Patrick Sonderheimer tìm cách phá cửa vào trong. Tiếng thở cũng chìm xuống một lần nữa, trong vài giây cuối trước va chạm, khi tiếng thét thất thanh của nhiều hành khách vang lên, do nhận ra mình sắp chết.

Trên chuyến bay tầm ngắn từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới Dusseldorf (Đức) là 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn. Các mảnh thi thể của Lubitz giờ đã trải rộng trên sườn núi Apls, cùng các nạn nhân của anh ta. Vậy điều gì đã khiến anh ta từ một phi công thành công, với sự nghiệp đầy hứa hẹn trước mắt, thành một kẻ sát nhân hàng loạt khi mới 27 tuổi?

Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, cả chính thức và không chính thức, chúng ta giờ biết được rằng Lubitz đã bị một dạng trầm cảm. Lubitz đã lâm vào tình trạng "suy kiệt" và đang được chữa một căn bệnh, vốn khiến anh ta không thể lái máy bay trong ngày định mệnh đó.

Lubitz có dấu hiệu của một kẻ đang bị tổn thương. Một bạn gái cũ nói rằng Lubitz đã trở nên ngày càng thất thường và hay nói về việc sẽ "làm điều gì đó thay đổi toàn bộ hệ thống", và rằng "tất cả sẽ ghi nhớ tên" anh ta.

Khởi điểm để các nhà điều tra xem xét nhằm làm rõ tâm trí của Lubitz sẽ là quê nhà anh ta ở Montabaur, tại vùng Rhine, nơi nằm giữa Cologne và Frankfurt. Cha đẻ của Lubitz, ông Günter, 54 tuổi và mẹ đẻ Ursula đã bị cảnh sát thẩm vấn vào chiều ngày thứ Bảy tuần trước. Ông và bà Lubitz đã tới Pháp cùng gia đình nhiều hành khách khác, chỉ để nhận tin dữ rằng con họ là kẻ sát nhân.

Lubitz sống cùng hai ông bà tại một khu ngoại ô giàu có ở thành phố, trong một căn nhà trị giá chừng nửa triệu euro. Cha Lubitz là một doanh nhân giàu có, mẹ anh ta là một cô giáo dạy piano, thường chơi đàn trong nhà thờ địa phương. Cặp vợ chồng có 2 con trai và Lubitz là anh cả. Mẹ một bạn học cũ của Lubitz ở trường Mons Tabor Gymnasium nói rằng anh ta là "một cậu bé ngoan tới từ một gia đình tử tế".

Từ trẻ, Lubitz đã say mê bay lượn. “Cậu ấy thực sự bị ám ảnh" - một người bạn nói - "Phòng cậu ấy đầy ảnh máy bay và logo của hãng Lufthansa, đủ kiểu ảnh máy bay cổ, máy bay mới, cả những loại máy bay lớn nhất. Ở bất kỳ nơi nào bạn cũng thấy các món đồ liên quan tới hàng không, ngay cả trên giường của cậu ấy."

Năm lên 14 tuổi, gia nhập một CLB bay ở địa phương là Luftorts Club Westerwald, vốn nằm cách nhà không xa. Sau một năm học bay, Lubitz đã có thể lái tàu lượn một mình. Nhưng giấc mơ của Lubitz không chỉ dừng lại ở tàu lượn. Anh ta đã xin việc tại hãng hàng không quốc gia Lufthansa của Đức, nơi sở hữu công ty hàng không giá rẻ Germanwings.

Lufthansa vẫn được nhiều phi công xem là nơi làm việc lý tưởng. Lubitz đã vượt qua nhiều bài kiểm tra khắt khe, gồm khả năng làm việc dưới áp lực và stress lớn. Sau đó Lubitz đã được nhận vào chương trình huấn luyện phi công của hãng. Cần biết rằng chỉ có từ 4 - 8% những người thi tuyển vào Lufthansa là được nhận và Lubitz nằm trong số đó.

Năm 2008, anh này theo học tại trường huấn luyện bay nổi tiếng của Lufthansa ở Bremen và tới tháng 7/2010 thì đến Trung tâm huấn luyện hàng không ở Arizona để tập tiếp.

Nhưng bất chấp việc thành công trong việc vào trường huấn luyện bay, Lubitz đã sớm thể hiện các dấu hiệu bất ổn tâm lý.

Tờ Bild của Đức cho biết vào năm 2009, khi đang huấn luyện dở, Lubitz bị trầm cảm nghiêm trọng và bắt đầu được tư vấn tâm lý. Một nguồn tin khác nói rằng trong quá trình huấn luyện, Lubitz đã bị xếp hạng "không phù hợp để thực hiện trách nhiệm bay, do đã có 1 năm rưỡi điều trị tâm lý nên anh ta phải học lại nhiều chương trình".

Cơ phó lái máy bay Airbus A320 Andreas Lubitz (Nguồn: Telegraph)
Tấm bia viết bằng tiếng Pháp, Đức và Tây Ban Nha tưởng niệm các nạn nhân chuyến bay 4U 9525 (Nguồn: Telegraph)

Tờ Der Spiegel nói rằng Lubitz mắc "hội chứng suy kiệt tâm lý" (giống với trầm cảm). Mã lưu ý đặc biệt SIC đã được thêm vào bằng lái của Lubitz, có nghĩa anh ta phải thường xuyên được kiểm tra sức khỏe.

 Hãng Lufthansa cũng đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý, theo đó, cách đây 6 năm Lubitz đã phải tạm ngừng hoạt động huấn luyện. Sau khi trở lại anh ta đã vượt qua các bài thi một cách xuất sắc. Tiếp đó Lubitz đã tạm nghỉ trong vài tháng, trước khi trở lại và tiếp tục vượt qua các bài kiểm tra. Spohr nói rằng Lubitz “đủ tiêu chuẩn 100% để có thể bay mà không gặp bất kỳ hạn chế nào". Thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo phi công, Lubitz chưa được ngồi vào ghế lái do Lufthansa chưa trống vị trí phi công. Điều này khiến anh ta phải làm tiếp viên.

Thời gian làm tiếp viên, anh ta bị đặt cho biệt danh “Tomato Andi” (Andi cà chua) do thường phải chuyển nước cà chua cho khách. Có tin nói "cà chua" là biệt danh có ý nghĩa bêu xấu. Có thể thấy với Lubitz, một thanh niên trẻ tài năng và khao khát được lái máy bay xuyên đại dương, phải làm công việc đẩy xe hàng và phát nước cà chua cho khách thật giống như một sự hạ nhục.

Tháng 9/2013, một chỗ trống xuất hiện và Lubitz được chuyển về Germanwings, hãng hàng không giá rẻ, không hào nhoáng bằng Lufthansa. Hãng này chỉ chuyên thực hiện các chuyến bay tầm ngắn ở châu Âu.

Với Lubitz, người vừa hồi phục sau một đợt trầm cảm và sự ê chề của việc phải làm tiếp viên, việc không được nhận công việc mà bản thân mơ ước từ khi còn bé đã giáng đòn nặng nề vào anh ta.

Lubitz dường như đã cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình, nhưng không thành. Tờ Bild nói rằng thời điểm đâm máy bay vào vách núi Apls, Lubitz vừa chia tay bạn gái. Tờ báo cho biết anh ta đang bị khủng hoảng đời sống riêng tư.

Một bạn gái cũ của Lubitz là Maria, người cũng là tiếp viên của Lufthansa, cho biết anh ta đã phải vất vả chống lại "những con quỷ" trong tâm hồn mình. Theo Maria, Lubitz đã gây tai nạn vì biết bệnh tình sẽ ngăn không cho anh ta tiến thân và làm việc ở vị trí cơ trưởng, thực hiện các chuyến bay đường dài cho hãng Lufthansa.

Lubitz là người dường như "dễ mến và cởi mở" trước công chúng, nhưng trong đời sống riêng lại thường xuyên cần sự động viên, cổ vũ. "Anh ấy là người tốt, có thể là rất ngọt ngào nữa" - Maria nói - "Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều về công việc, rồi anh ấy trở thành con người khác. Anh ấy tức giận với hoàn cảnh làm việc, với chuyện thu nhập quá thấp, lo lắng về hợp đồng công việc và cho rằng rằng bản thân đang phải chịu quá nhiều áp lực".

Hai người chia tay khi Maria không thể chấp nhận được tính cách ngày càng thất thường của Lubitz. "Trong một cuộc nói chuyện, anh ấy đột nhiên hành xử như trẻ con, gào lên với tôi. Tôi rất hoảng sợ. Thậm chí đã có lúc anh ấy khóa trái và nhốt tôi trong phòng tắm rất lâu. Ban đêm, anh ấy thường tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa, gào lên kinh hoảng rằng "Chúng ta đang rơi". Anh ấy cũng đe dọa sẽ làm điều lớn lao để mọi người nhớ về mình".

Chỉ vài tuần trước khi xảy ra vụ tai nạn, Lubitz đã mua 2 chiếc xe Audi dành cho mình và một bạn gái khác, người là giáo viên. Dường như Lubitz tặng xe để lấy lại tình cảm. Tuy nhiên, cô gái đã từ chối nhận quà. Cảnh sát hiện đang điều tra thông tin nói rằng Lubitz đã chi tiêu bạt mạng vài tuần trước khi gây ra vụ tai nạn.

Ở thời điểm lao máy bay vào núi, Lubitz đang đối mặt với một căn bệnh lạ. Các bác sĩ đã gửi tới Lubitz những giấy khám cho phép anh ta được nghỉ việc trong ngày tai nạn xảy ra, nhưng anh ta đã đều xé nát chúng.

 Tờ Die Welt, dẫn nguồn cảnh sát Đức, nói rằng Lubitz đã "gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần". Họ nói rằng các loại thuốc chữa bệnh do hội chứng mệt mỏi vì áp lực công việc gây ra, đã được tìm thấy trong căn hộ của Lubitz. Có ý kiến cho rằng hội chứng này khiến người ta dễ tự sát, dù cũng có quan điểm phản bác điều này.

Tờ New York Times lại đưa ra hướng giải thích khác. Theo đó Lubitz đang gặp các vấn đề về "thị lực". Việc suy giảm thị lực sẽ khiến Lubitz sớm phải chấm dứt sự nghiệp. Với một người chỉ mơ ước thành phi công như Lubitz, tai họa đã khiến anh ta hoàn toàn suy sụp.

Và khi còn lại một mình trên ghế phi công, được nắm quyền điều khiển chiếc máy bay trị giá hàng triệu USD cùng sinh mạng của 149 con người khác, Lubitz đã đưa ra quyết định trừng phạt tất cả. Anh ta muốn chết và đây là cơ hội của anh ta.

 Câu hỏi mà nhà chức trách muốn làm rõ trong hành động của Lubitz là có phải anh ta bị mắc kẹt quá sâu vào thế giới và nỗi đau khổ của bản thân mình, tới mức anh ta chẳng thèm quan tâm tới cuộc sống của những người khác? Hay là anh ta cố tình sát hại những người khác, để nêu bật vai trò của bản thân?

Sự im lặng của Lubitz khi ở trong khoang lái và việc chẳng để lại tuyệt mệnh thư khiến các câu hỏi này không có đáp án. Nhưng trong 8 phút im lặng đó, Lubitz đã khiến thế giới thấy mình là một kẻ sát nhân máu lạnh, điềm tĩnh. Anh ta sẽ đi vào lịch sử, có lẽ như mong ước của bản thân, với tư cách một "gã điên" đã tàn phá cuộc sống của 149 người vô tội khác./.

Theo Linh Vũ (Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/co-pho-dam-may-bay-vao-nui-giong-nhu-ke-giet-nguoi-hang-loat/314855.vnp