1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện ít biết về hành trình ông John McCain hàn gắn quan hệ Mỹ-Việt

(Dân trí) - Một trong những di sản mà Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain để lại đó là những nỗ lực hàn gắn và bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, đưa hai cựu thù trở thành đối tác.


Ông McCain (phải) và ông Kerry có đóng góp quan trọng nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt. (Ảnh: AP)

Ông McCain (phải) và ông Kerry có đóng góp quan trọng nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt. (Ảnh: AP)

Theo NBC, hành trình hàn gắn này của ông McCain có sự giúp đỡ của một người mà thời điểm đó ông không hề ưa và cũng không hiểu nhiều về con người ông ấy. Đó chính là Thượng nghị sĩ John Kerry, người sau này trở thành Ngoại trưởng trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Ông Kerry vốn là cử nhân khoa học chính trị học tại Đại học Yale. Ông có 4 tháng tham chiến tại Việt Nam từ cuối tháng 11/1968 đến đầu tháng 4/1969. Ngay khi trở về, chính ông đã điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào năm 1971 để phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Ông đã tham gia vào cuộc biểu tình phản chiến của các cựu chiến binh ở bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ. Thời gian đó, ông McCain vẫn đang là tù binh trong nhà tù Hỏa Lò ở Việt Nam và được các quản giáo ở đây truyền đạt thông tin về cuộc biểu tình.

Năm 1993, ông McCain và Kerry, hai cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, có phiên điều trần trước một ủy ban Thượng viện để giải quyết các vấn đề liên quan đến số phận của các tù binh chiến tranh và những người mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

“Chúng tôi đều có tình yêu đối với Hải quân, nhưng có quan điểm khác nhau về cuộc chiến. Chúng tôi không tin tưởng nhau, không thực sự biết về nhau. Nhưng sau một cuộc trò chuyện trên một chuyến bay dài, chúng tôi quyết định phối hợp với nhau để hòa giải với Việt Nam với chính chúng ta ở Mỹ”, ông Kerry viết.

Hành trình để hiểu hơn về nhau và để hàn gắn quan hệ Mỹ-Việt của họ tiếp tục với chuyến thăm “Khách sạn Hilton Hà Nội” (cách họ dùng để gọi nhà tù Hỏa Lò, nơi ông McCain bị giam gữ hơn 5 năm) năm 1993.

Ở nửa kia của địa cầu, cùng thời điểm, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton cũng bắt đầu những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau những nỗ lực thuyết phục của ông McCain.

Với hy vọng có thể giúp hóa giải căng thẳng Mỹ-Việt, ông McCain đã viết thư cho Tổng thống Clinton nói rằng sẵn sàng tháp tùng ông tới Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam.

Ban đầu, ông Clinton đã từ chối đề nghị này. Câu chuyện được ông McCain công bố rộng rãi khiến ông Clinton, vị tổng thống đầu tiên của Mỹ không phục vụ trong quân ngũ, vấp phải chỉ trích từ nhiều cựu binh Mỹ.

Trong 2 năm sau đó, ông McCain tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi để dọn đường cho chính quyền của Tổng thống Clinton tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cuối cùng, Tổng thống Clinton chính thức công bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995.

Trong dòng gửi gắm sau khi Thượng nghị sĩ McCain qua đời cuối tuần qua, ông Kerry viết: “Ông John McCain đã cho tất cả chúng ta thấy cách mà ông ấy gắn kết giữa một người biểu tình với một cựu tù binh và cách tìm ra điểm chung tưởng chừng như không thể”.

Ông McCain qua đời hôm 25/8 tại nhà riêng ở Arizona ở tuổi 81 sau 10 tháng điều trị ung thư não. Từng là phi công hải quân tham chiến ở Việt Nam nhưng ngay khi trở về nước, ông đã lên tiếng phản đối sự phi lý của cuộc chiến này và ra sức hàn gắn quan hệ để đưa hai cựu thù thành đối tác.

Minh Phương

Theo NBC