1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Việt Nam nhận định về lập luận sai trái của tác giả Dmitry Kosyrev

Có những so sánh không những khập khiễng mà còn hiểu sai, lập luận sai trái, và không thể chấp nhận được.

Hiện nay dư luận bạn đọc tại Việt Nam rất bất bình về việc một nhà báo Nga, ông Dmitry Kosyrev đã có bài viết đăng tải trên trang Ria Novosti tiếng Nga với tiêu đề “Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi thông báo”. Trong đó tác giả bài báo có những thông tin, ý kiến và lập luận sai trái, khập khiễng, mang nặng định kiến cá nhân về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc và những tình hình trên Biển Đông.


Bài viết của tác giả
Dmitry Kosyrev đăng tải trên trang Ria Novosti tiếng Nga

Bài viết của tác giả Dmitry Kosyrev đăng tải trên trang Ria Novosti tiếng Nga

Phóng viên báo điện tử VOV đã phỏng vấn chuyên gia các vấn đề quốc tế khu vực Đông Âu- Nga, ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng Biên tập tạp chí Bạch Dương về vấn đề này.

PV: Thưa ông, trong một bài bình luận đăng tải trên RIA Novosti ngày 19/5 vừa qua có tựa đề “Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi thông báo”, trong đó tác giả Dmitry Kosyrev có so sánh Việt Nam và Philippines với Ukraine trong mối quan hệ với Trung Quốc và Nga. Theo ông, các luận điểm trong bài viết này có những điểm gì sai lệch với thực tế?

Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát: Bài báo này đăng ngày 19/5, trước chuyến đi Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin, ở thời điểm đó dư luận Nga chỉ phỏng đoán những nội dung Nga - Trung sẽ thảo luận ở Thượng Hải thôi. Dựa theo phỏng đoán đó, tác giả đề cập nhiều câu chuyện, trong đó có vấn đề liên quan đến Việt Nam.


Chuyên gia Nguyễn Đăng
Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương
Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương

Trong vấn đề liên quan đến Việt Nam thì tác giả đã đụng đến những vấn đề có tính chất nguyên tắc đối với chúng ta mà không thể chấp nhận được.

Phía Trung Quốc cho rằng vị trí đặt giàn khoan chỉ cách đảo Tây Sa 27km, trong khi đó đảo Tây Sa này chính là đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang lấn chiếm.

Chẳng hạn, trong tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông mà nguyên nhân là do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì một chi tiết trong bài báo, tác giả cố tình nói gần như là do Việt Nam gây ra, tác giả nói rằng vị trí đặt giàn khoan đó vị trí đặt giàn khoan chỉ cách bờ biển Trung Quốc 27km và cách bờ biển Việt Nam 241km. Cái đó là cái không thể chấp nhận được đối với độc giả Việt Nam và đối với tôi, một nhà báo Việt Nam.

Thứ 2, lối viết bao trùm hơn là dùng lối so sánh Việt Nam và Philippines giống như Ukraine. Tác giả cho là Ukraine hiện nay được Mỹ và phương Tây sử dụng để chống Nga, gây khó cho Nga. Và vấn đề biển đảo hiện nay trên Biển Đông cũng như những vấn đề khác nữa thì Việt Nam và Philippines cũng là do phương Tây lợi dụng để làm khó cho Trung Quốc.

Lối so sánh đó cũng không thể chấp nhận được, không những khập khiễng, mà còn ngộ nhận, sai lệch và không hiểu vấn đề. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khác chứ. Nhân dân Việt Nam và các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định chủ quyền biển đảo của ta chứ không phải ta theo ai để gây khó cho Trung Quốc cả.

Cũng kiểu so sánh ấy, có một cách so sánh khác cũng không thể chấp nhận được đối với tôi và đối với mọi người Việt Nam khác. Nga vẫn thường nói và có thể đúng là một phần lãnh thổ phía đông của Ukraine trước đây là thuộc Nga. Và những vùng đó là có đông người Nga và người nói tiếng Nga sinh sống, và thực tế hiện nay một bộ phận khá lớn những người ấy muốn rời khỏi Ukraine gia nhập với Nga.

Tác giả lại so sánh Việt Nam trong trường hợp ấy như thể trước đây Việt Nam cũng thuộc Trung Quốc. Cách nói theo kiểu so sánh đó là rất sai, rất chủ quan, không đúng và gây phản ứng với đông đảo người Việt Nam.

Từ đó tác giả nói Trung Quốc và Nga là 2 trường hợp giống nhau, bắt tay hợp tác với nhau là logic. Việc hợp tác giữa Nga và Trung Quốc là bình thường, Trung Quốc là đối tác lớn của Nga. Chuyến thăm vừa rồi của Tổng thống Nga Putin đạt được nhiều kết quả, như thế cũng đáng mừng cho 2 nước. Nhưng so sánh như thế là cố ý, sai trái và không thể chấp nhận được.

Tôi rất ngạc nhiên, bất bình và tức giận với tác giả. Một người làm báo lâu năm, học hành bài bản mà lại có những ý kiến, lập luận sai trái, đầy định kiến như thế là không thể chấp nhận được. Thật đáng ngạc nhiên và đáng phê phán.

PV: Theo ông, qua bài bình luận với những lập luận cố tình bóp méo sự thật này, ông Dmitry Kosyrev có dụng ý gì?

Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát: Theo tôi, đây là một trong những bài báo viết trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin và được một cơ quan thông tin của Nhà nước Nga phát đi như thế, chủ đích đầu tiên là nhằm hỗ trợ cho chuyến thăm, tạo dư luận ở Nga và có thể cả ở Trung Quốc để hướng tới thúc đẩy thuận lợi cho những hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra họ có thể qua đó để vẽ nên một nguy cơ chung từ phía Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc trong trường hợp này và đối với Nga trong trường hợp kia. Khi 2 bên cùng có chung nguy cơ ấy, chung đối thủ như thế thì họ dễ bắt tay nhau hơn, dễ tìm kiếm tiếng nói chung với nhau hơn.

Cái đích cơ bản là tạo ra một dư luận, môi trường thuận lợi cho việc thương lượng giữa 2 vị lãnh đạo 2 nước đạt kết quả tốt, hợp tác chặt chẽ với nhau hơn.

PV: Thưa ông, năm ngoái, nhân chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Nga Putin từng có bài viết bài báo “Nga – Việt cùng nhau đi tới những chân trời hợp tác mới”, trong đó nói đến mối quan hệ Việt- Nga có “truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau” và có sự “ủy thác tinh thần” từ những nhà lãnh đạo cấp cao của 2 nước trước đây. Vậy theo ông nhận định, mối quan hệ này có thay đổi gì trong bối cảnh hiện nay hay không?

Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát: Theo ý kiến cá nhân tôi, mối quan hệ Nga- Việt không có thay đổi gì cả. Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn tốt đẹp như nó vốn có. Quan hệ Việt- Nga là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Các chương trình hợp tác được đề ra vẫn tiếp tục được thực hiện, không thu hẹp chương trình nào, các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, mọi dự án đều được thực hiện bình thường, tốt đẹp.

Gần đây, một bộ phận dân ta có những bức xúc nhất định về việc phản ứng chính thức từ phía Nga có thể nói là chậm đối với những diễn biến trên Biển Đông. Thực tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng đã đề cập đến vấn đề đó và nói đúng mực. Và một số phương tiện truyền thông lớn, có uy tín của Nga (như báo Kommersant) cũng đăng tải những bài viết chỉ trích những sai trái của Trung Quốc trong vấn đề này.

Theo tôi, có thể một bộ phận những người Nga hiểu sai. Nhưng cũng có một bộ phận lớn hơn những người Nga luôn nâng niu quan hệ hữu nghị Việt- Nga. Các nhà báo, các đồng nghiệp Nga cũng rất nhiều người hiểu đúng vấn đề.

Tổng thể quan hệ Nga- Việt vẫn tốt đẹp. Khi ta nhìn nhận những vấn đề này, thì như những người lãnh đạo của ta vẫn thường nói, chúng ta phải xem xét vấn đề với “trái tim nóng, và cái đầu lạnh”, chứ đừng để “cái đầu nóng”.

PV: Thưa ông, được biết, Hội Hữu nghị Việt Nam- Nga ở Việt Nam sẽ gửi một bức thư cho Hội Hữu nghị Nga- Việt Nam ở Nga và có đề cập đến bài báo của tác giả này. Vậy bức thư ấy sẽ mong muốn đạt được điều gì?

Chuyên gia Nguyễn Đăng Phát: Theo tôi biết, các Hội Hữu nghị là tổ chức thực hiện hoạt động Ngoại giao nhân dân. Hội Hữu nghị Việt- Nga ở Việt Nam thì có đối tác là Hội Hữu nghị Nga- Việt ở Nga.

Hội Hữu nghị Việt Nam- Nga gửi thư sang, nói lên tình hình là nhiều hội viên của Hội Hữu nghị Việt- Nga, những người yêu quý nước Nga hiện đang bức xúc về bài viết của tác giả Dmitry Kosyrev này, và có đề nghị Hội Hữu nghị Nga- Việt trong khả năng của mình, có những việc làm gì đó để dư luận Nga hiểu rõ, hiểu đúng tình hình ở Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam và Nga, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, và đặc biệt là hiểu đúng về những diễn biến nguy hiểm hiện nay trên Biển Đông là do Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào sâu vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam gây ra.

Theo tôi có bức thư như thế là hoàn toàn đúng, hoàn toàn nên vì đây là kênh hoạt động ngoại giao nhân dân. Như vậy là thân tình, thích hợp. Theo tôi nghĩ, Hội Hữu nghị Nga- Việt cũng sẽ có sự hỗ trợ để dư luận Nga hiểu đúng thêm tình hình.

**Xin cảm ơn ông!/.

Theo Bích Đào
VOV online