Sau “981” Trung Quốc sẽ làm gì?

Tiếp sau vụ ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam (VN), Trung Quốc (TQ) sẽ tiếp tục những bước đi lớn hơn.

Việc TQ triển khai giàn khoan Hải Dương 981 là một bước đi có tính toán của nước này trong việc hiện thực hóa tham vọng khống chế biển Đông của mình.

 

Sau 981 sẽ là gì? PGS-TS Trần Nam Tiến (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) và ThS Lê Hồng Hiệp (nghiên cứu sinh (NCS), ĐH New South Wales, Úc) có một số trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này.

 

TQ muốn nuốt “chuỗi ngọc trai”

 

Phóng viên: Những biểu hiện nào thời gian qua của TQ cho thấy giàn khoan 981 là một bước đi được tính toán, dàn xếp rất kỹ?

 

+ ThS-NCS Lê Hồng Hiệp: Thứ nhất, TQ đã triển khai các biện pháp hành chính như củng cố, kiện toàn các cơ quan quản lý biển, thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có thời hạn trên biển Đông...
 
Thứ hai, TQ đã tăng cường năng lực lực lượng hải quân và không quân thông qua các chương trình hiện đại hóa. Hiện tại ngân sách quốc phòng của TQ là lớn nhất châu Á, vượt xa ngân sách của cả 10 nước Đông Nam Á cộng lại, trong đó đầu tư tập trung cho hai lực lượng này. Bên cạnh đó, TQ đã đầu tư lớn cho các lực lượng chấp pháp bán vũ trang như hải giám, ngư chính, vv…
 
Thứ ba, TQ đã đầu tư xây dựng các công cụ kinh tế giúp củng cố yêu sách của mình trên thực địa. Bên cạnh giàn khoan nước sâu 981 thì TQ còn đầu tư cho năng lực của đội tàu đánh cá xa bờ, mà ví dụ tiêu biểu là tàu chế biến cá di động Hainan Baosha 001, trọng tải 32.000 tấn.
 
Thứ tư, TQ áp dụng kết hợp các biện pháp chính trị - ngoại giao, như công bố chính thức đường lưỡi bò tại Liên Hiệp Quốc năm 2009, trì hoãn ký kết COC, chia rẽ ASEAN về vấn đề biển Đông, vv…
 
Cuối cùng, biểu hiện rõ nhất là trong thời gian qua, TQ đã tăng cường các hoạt động gây hấn trên thực địa nhằm hiện thực hóa kế hoạch của mình, từ cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của VN, cưỡng chiếm trên thực tế bãi cạn Scarborough của Philippines, bao vây bãi Cỏ Mây, chuẩn bị xây đường băng trên bãi Gạc Ma và đến nay là hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển VN.

 

TQ thật sự muốn gì ở biển Đông?

 

+ PGS-TS Trần Nam Tiến: Những hành động của TQ ở biển Đông gần đây cho thấy giới lãnh đạo TQ nhìn nhận biển Đông chủ yếu ở góc độ địa chính trị và địa chiến lược. Dựa trên cơ sở tiếp cận các lý thuyết địa chính trị, tham vọng của TQ thực sự không dừng lại ở biển Đông mà xa hơn trong tầm nhìn của họ là một chiến lược “chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) đầy tham vọng nối biển Đông với Ấn Độ Dương. Chiến lược “chuỗi ngọc trai” được xây dựng nhằm hướng đến giải quyết vấn đề ưu tiên mang tính chiến lược của TQ là bảo đảm an toàn cho tàu chở dầu mỏ và khí đốt đến từ vịnh Ba Tư.

 
Sau “981” Trung Quốc sẽ làm gì?
Tiếp sau vụ ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, Trung Quốc sẽ tiếp tục những bước đi lớn hơn 
 

Chính sự phát triển mạnh mẽ hiện nay, sự lệ thuộc vào các nguồn cung cấp tài nguyên và năng lượng từ nước ngoài, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, đóng một vai trò quan trọng hình thành nên chính sách và chiến lược phát triển của TQ. Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược “chuỗi ngọc trai” còn được TQ nhắm đến việc đảm bảo khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương, trong trường hợp đụng độ với một trong những đối thủ tiềm tàng mạnh nhất của nó, cụ thể là Ấn Độ.

 

Có thể vướng vào cái thòng lọng của chính mình

 

Để bước tiếp, TQ sẽ làm gì trước những phản ứng của VN và cộng đồng quốc tế?

 

+ PGS-TS Trần Nam Tiến: Để hoàn thành chiến lược “chuỗi ngọc trai”, bên cạnh tuyên bố chủ quyền với nhiều đảo ở biển Đông, trong đó chú trọng thúc đẩy tạo ra tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, TQ sẽ còn mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, tiếp cận với các cảng của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên để từ đó dễ dàng tiếp cận biển Nhật Bản, khống chế Nhật Bản. Từ biển Đông, TQ sẽ tiếp tục xây dựng “chuỗi ngọc trai” sang Ấn Độ Dương thông qua việc tiếp cận các quốc gia “đồng minh mới” như Campuchia, Myanmar và gần nhất là Thái Lan. Ở khu vực Ấn Độ Dương, TQ tiến hành xây dựng các “viên ngọc trai” tại Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Seychelles.

 

Như vậy, nếu kết nối các đảo mà TQ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và biển Nhật Bản cùng với các đảo và những cơ sở cầu cảng khác của TQ xây dựng trải rộng từ Hải Nam tới vùng Trung Đông, “chuỗi ngọc trai” mà TQ hướng tới xây dựng sẽ giống như như một vành đai bao quanh rất nhiều đất liền ở khu vực châu Á. “Chuỗi ngọc trai” này tạo cơ sở cho TQ vào vị trí kiểm tra và giám sát tất cả tuyến đường biển quan trọng nhất ở châu Á cũng như thế giới; kiềm chế Nhật Bản và Hàn Quốc và giành lợi thế tiếp cận trực tiếp các vị trí chiến lược quan trọng ở Thái Bình Dương so với Mỹ và Nga.

 

+ ThS-NCS Lê Hồng Hiệp: Để thực hiện tham vọng bá quyền trên biển, theo tôi riêng trong vụ giàn khoan, TQ sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Đơn giản nếu bỏ cuộc thì họ sẽ bị coi là đã thừa nhận mình sai. Ít nhất họ sẽ giữ giàn khoan tới ngày 15-8 như đã thông báo. Về dài hạn, xét yếu tố nội lực và chiến lược, để tiếp tục “vẽ cho xong” tham vọng bá quyền trên biển của mình, một mặt TQ sẽ tiếp tục tăng cường “năng lực cứng” của mình, bao gồm năng lực hải quân, không quân và các lực lượng bán vũ trang. Một mặt nước này sẽ tìm cách chia rẽ công luận, dùng các biện pháp ngoại giao - kinh tế để mua chuộc sự ủng hộ, đồng thời tìm cách cô lập VN. Có một điều chắc chắn là TQ sẽ ngày càng hung hăng, quyết đoán trong vấn đề tạo ra “sự đã rồi” nhằm dồn ép VN.

 

Chiến lược bành trướng biển theo kiểu “giàn khoan 981” của TQ sẽ đối mặt với rủi ro nào?

 

+ ThS-NCS Lê Hồng Hiệp: Rủi ro lớn nhất của TQ là các hành động của họ làm bất ổn môi trường chiến lược khu vực, dẫn tới sự e ngại của các quốc gia láng giềng và tạo cớ cho sự can dự của các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Nếu TQ tiếp tục theo đuổi tham vọng biển của mình một cách hung hăng và bất chấp luật pháp quốc tế như hiện nay thì nhiều khả năng nhiều quốc gia khu vực sẽ tập hợp lại với nhau để đối phó sức ép TQ, đồng thời cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ có thêm lý do để gia tăng.

 

Về lâu dài, khả năng một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa TQ và Mỹ cùng các đồng minh là điều có thể xảy ra. Hiện các dấu hiệu báo trước khả năng này đã hiện hữu. Nếu vậy, TQ sẽ gặp khó khăn, không chỉ về quân sự - chiến lược mà còn cả về phát triển kinh tế-xã hội. Đó có thể là một cái thòng lọng mà nếu không khéo thì họ có thể tự vướng vào.

 

Xin cảm ơn hai ông.

 

Thiên Tâm thực hiện

theo Pháp luật TPHCM

 

Sức mạnh tổng hợp quốc gia mới là cơ sở vững chắc nhất

Khi nhìn thấy được toàn thể cục diện “ván cờ” của TQ, trong ngắn hạn VN cần tiếp tục tăng cường năng lực quốc phòng cũng như các lực lượng chấp pháp trên biển để có công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó các lực lượng chấp pháp đóng vai trò quan trọng. Về trung hạn, VN cần áp dụng các biện pháp pháp lý để đối phó với áp lực của TQ, đồng thời tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự với các đối tác quan trọng để đối trọng lại TQ. Trong dài hạn, VN cần phải tiếp tục mạnh dạn cải cách, đổi mới kinh tế và tăng cường sức mạnh chính trị, nhất là tiếp tục phát huy tính đồng thuận quân dân để nâng cao nội lực. Theo quan điểm của cá nhân tôi, suy cho cùng thì sức mạnh tổng hợp quốc gia mới là cơ sở vững chắc nhất, giúp chúng ta bảo vệ tuyệt đối chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. 

Khi thực thi chiến lược trên, có năm nguyên tắc mà chúng ta cần nhất quán thực hiện. Thứ nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là bất khả xâm phạm và như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập gần đây: “Không đánh đổi chủ quyền bằng thứ hòa bình, hữu nghị viển vông”. Thứ hai, VN kiên trì giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình. Thứ ba, cần đặt lợi ích quốc gia lên trên mọi lợi ích khác của bất cứ ai hay nhóm người nào. Thứ tư, năng lực là yếu tố cốt lõi, chuông có to thì tiếng mới lớn, vì vậy VN cần tìm cách duy trì phát triển kinh tế và tiếp tục hiện đại hóa quốc phòng, không ảo tưởng vào các cam kết dù là song phương hay đa phương. Thứ năm, cần đoàn kết và hòa giải dân tộc, tập hợp sức mạnh toàn dân trong vấn đề này. ThS-NCS Lê Hồng Hiệp (ĐH New South Wales, Úc)