1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm: Có thể khởi kiện dân sự

(Dân trí) - Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, cho rằng, sự việc tàu cá Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam, nếu các cơ quan chấp pháp của Việt Nam có ở đó thì phải tiến hành bắt giữ. Các công ty, các cá nhân bị hại có thể khởi kiện dân sự.

Trao đổi với báo giới về tình hình Biển Đông và việc tàu cá Trung Quốc ngang ngược đâm vào tàu cá Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, cho biết, trong tình hình căng thẳng ở Biển Đông, “vụ việc vừa qua có những quan hệ dân sự. Đó là việc các tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường bị tàu khác đâm chìm, nên có quyền khởi kiện dân sự”, luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu đoàn TPHCM.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM.

Lúc 16h ngày 26/5, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng tại ngư trường Hoàng Sa, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 10 thuyền viên trên tàu gặp nạn; toàn bộ hải sản, ngư cụ, tàu cá của tàu ĐNa 90152 đã bị hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng… 

Cũng theo luật sư Nghĩa, trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì Việt Nam có quyền tài phán. Các cơ quan chấp pháp Việt Nam có quyền xuất hiện ở đó và nếu phát hiện ra các tàu thuyền dân sự khác xâm hại quyền lợi của công dân Việt Nam thì các lực lượng chấp pháp có quyền xử lý, ngăn chặn, bắt giữ, khởi tố về hình sự. “Các lực lượng chấp pháp Việt Nam phải bảo vệ ngư dân Việt Nam tại vùng biển của mình”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Việt Nam có quyền tài phán tức là Tòa án Việt Nam có quyền xét xử trường hợp công dân Việt Nam bị xâm hại trên vùng biển của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một số loại vi phạm khác có thể đưa ra cơ quan tài phán quốc tế.

Ở Biển Đông xuất hiện một loạt các vi phạm mang tính chất khác nhau. Lâu nay chúng ta nói rằng có quan hệ của nhà nước với nhau nhưng rõ ràng ở đây có quan hệ giữa các pháp nhân tư nhân (giữa các tàu đánh cá của các ngư dân).

PV: Từ trước tới nay, Việt Nam đã bắt giữ các tàu cá nước ngoài có vi phạm tương tự và đưa ra xét xử chưa, thưa ông?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Cho đến nay, tôi chưa nghe Việt Nam bắt giữ tàu cá nước ngoài và đem ra xử.

Vậy theo ông, với những sự việc đã và đang diễn ra, chúng ta nên kiện Trung Quốc vào thời điểm nào?

Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa một cách trái phép, bất hợp pháp thì nhà nước Việt Nam phải có trách nhiệm đấu tranh pháp lý để đòi lại chủ quyền Hoàng Sa.

Việc giàn khoan xuất hiện không phải là hành vi của một công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp. Tuy nó là một doanh nghiệp nhưng với những hành vi vừa qua thì mang tính chất nhà nước. Vì Trung Quốc đem cả tàu hải quân để bao bọc, che chắn cho giàn khoan. Vì vậy cần phải xử lý theo tính chất quốc tế.

Ở đây cũng có câu chuyện của các tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu cá Việt Nam, đó là hành vi gây hại về dân sự hoặc hình sự. Nếu anh cố tình đâm vào tàu cá Việt Nam gây ra nguy cơ chết người, chìm tàu thiệt hại tài sản thì vi phạm luật hình sự. Theo luật pháp thì các cơ quan chấp pháp Việt Nam có quyền bắt giữ và khởi tố.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm, có ghi hình bằng chứng thì có cơ sở khởi kiện không?

Nếu chứng cứ chúng ta có đầy đủ thì sẽ có cơ sở để khởi kiện vụ việc.

Hội Nghề cá Đà Nẵng cho biết sẽ đòi bồi thường 240.000 USD, theo ông phải bắt đầu từ đâu?

Đi vào từng việc cụ thể sẽ phải có những luật sư có chuyên môn để nghiên cứu.

Ở sự việc này có một số khả năng như đã nói. Trong điều kiện bình thường có thể khởi kiện dân sự. Còn kiện ở đâu và cần chứng cứ nào thì cần phải nghiên cứu.

Phải chăng là chúng ta cần thực hiện vụ kiện ở các cấp độ khác nhau?

Tình hình Biển Đông hiện nay có quan hệ Nhà nước - Nhà nước, quan hệ doanh nghiệp nước ngoài - Nhà nước… Do đó, phải đi vào sự việc cụ thể thì mới có thể nói là kiện ở đâu, kiện thế nào, đủ bằng chứng chưa.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi)