1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia tiết lộ vũ khí "sát thủ chiến trường" trong chiến sự Nga-Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, các khẩu pháo tầm trung đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Nga - Ukraine, với khả năng phá hủy và sát thương cao không kém những hệ thống hỏa lực cỡ lớn.

Chuyên gia tiết lộ vũ khí sát thủ chiến trường trong chiến sự Nga-Ukraine - 1

Một thiết giáp BMP-2 (Ảnh minh họa: Military Today).

Theo Business Insider, trong khi xe tăng và những khẩu pháo lớn đang thu hút sự chú ý ở chiến trường Ukraine, thì có một loại vũ khí khác cũng tỏ ra nguy hiểm không kém.

Pháo cỡ trung - loại có cỡ nòng 20-40mm được trang bị trên các phương tiện chiến đấu bộ binh, xe phòng không và các loại phương tiện khác - được xem có sức sát thương rất lớn.

Ở Ukraine, cả 2 phía đang sử dụng pháo tự động 2A42 30mm thời Liên Xô được trang bị trên xe chiến đấu bộ binh bánh xích BMP-2, BMP-3 và BMD-4M (Nga); xe thiết giáp chở quân bánh lốp BTR-3 và BTR-4 (Ukraine), theo chuyên gia quân sự Sam Cranny-Evans.

Theo ông, những khẩu pháo này đang được sử dụng rộng rãi, có hỏa lực "dữ dội" và chúng đã "định hình chiến thuật chiến đấu" cho cả lực lượng Nga và Ukraine.

Ví dụ, trong một cuộc trao đổi với ông Cranny-Evans, một binh sĩ Ukraine thừa nhận trong một số trường hợp, họ e ngại xe bọc thép chở quân của Nga hơn là xe tăng.

"Pháo trên các thiết giáp bắn nhanh hơn và chúng chở theo nhiều binh lính hơn xe tăng", quân nhân trên nói, nhấn mạnh khả năng sát thương cao của các xe bọc thép và cho rằng đây là mục tiêu khó đối phó khi chiến đấu trực tiếp.

Pháo cỡ trung có thể tấn công bộ binh từ xa hoặc thậm chí gây sát thương cho xe tăng. Chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động tác chiến đô thị vì có khả năng tấn công từ các vị trí nằm ngoài tầm bắn của các tổ hợp tên lửa vác vai đối phương.

Theo chuyên gia trên, có những quan điểm cho rằng loại xe nào sở hữu khẩu pháo lớn nhất sẽ có hỏa lực mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ.

Xe tăng chiến đấu chủ lực như M1 Abrams do Mỹ sản xuất hay T-72 do Liên Xô thiết kế đều được trang bị pháo 120mm hoặc 125mm có thể phá hủy xe tăng khác ở khoảng cách xa nhiều km. Tuy nhiên, những xe tăng trên mang theo số lượng hạn chế đạn cỡ lớn và pháo chính của chúng có tốc độ bắn hạn chế.

Thêm nữa, các khẩu pháo chính trên xe tăng không phù hợp với tất cả các mục tiêu trên chiến trường. Ví dụ, việc tấn công bộ binh bằng pháo chính là không phù hợp và gây lãng phí. Vì vậy, xe tăng cũng có thêm các súng máy 12,7mm và 7,62mm để tập kích bộ binh hoặc xe cỡ nhỏ.

Các khẩu pháo tầm trung có khả năng khai hỏa nhanh chóng hơn nhiều so với pháo cỡ lớn và cũng bắn nhiều loại đạn khác nhau như đạn xuyên giáp, đạn nổ mạnh.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine