1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hệ thống phòng không giúp vô hiệu hóa "mưa" hỏa lực của Nga tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Binh sĩ Ukraine giải thích nguyên nhân vì sao tổ hợp phòng không Gepard do Đức sản xuất tác chiến hiệu quả trước dàn UAV tự sát và tên lửa mà Nga phóng ồ ạt vào các mục tiêu của Kiev.

Hệ thống phòng không giúp vô hiệu hóa mưa hỏa lực của Nga tại Ukraine - 1

Pháo phòng không tự hành Gepard ở Ukraine (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Defense Express đưa tin, mặc dù hệ thống phòng không Gepard được phát triển từ những năm 1970, nhưng nó không chỉ tìm được chỗ đứng trong quân đội Ukraine mà còn trở thành công cụ không thể thiếu để đánh chặn UAV tự sát của Nga nhờ vào khả năng điều khiển hỏa lực và radar chính xác.

Vì đã bị loại biên từ lâu ở Đức và mục đích chế tạo tổ hợp này là để chống lại trực thăng và máy bay tấn công nên Gepard ban đầu được kỳ vọng sẽ không hoạt động quá hiệu quả. 

Tuy nhiên, khẩu pháo này trên thực tế đã giúp Ukraine chống lại các UAV bay lảng vảng Geran mà Kiev và phương Tây nghi là Shahed-136/131 của Iran và Nga mua về sơn lại. Ngoài ra, Gepard cũng có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình.

Theo Ukraine, Gepard đang đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực của Kiev nhằm vô hiệu chiến thuật "mưa" hỏa lực của Nga khi phóng lượng lớn UAV tự sát, tên lửa nhằm vào hàng loạt mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine.

Một điểm nổi bật khi Gepard được triển khai trong tác chiến là sử dụng đạn dược rất hiệu quả khi chỉ cần một vài loạt đạn là có thể bắn rơi mục tiêu.

Đây được xem là đặc tính quan trọng trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt đạn dược, và không thể triển khai tên lửa đắt đỏ để đánh chặn các mục tiêu giá thành rẻ như UAV.

Theo một xạ thủ vận hành hệ thống phòng không, tầm bắn của súng tự động 35mm trên Gepard chống lại mục tiêu trên không là 3,5km với loại đạn tiêu chuẩn hoặc là 5,5km khi chống lại mục tiêu trên mặt đất bằng loại đạn xuyên giáp.

Vì vậy, các điểm khai hỏa của Gepard phải được tính toán chính xác. Hệ thống này liên tục di chuyển cả ngày để phá hủy các mối đe dọa bay tới. Điểm nổi bật của Gepard là hệ thống radar. Dù nó đã khá cũ kỹ nhưng các thông số hoạt động của radar Siemens MPDR 12 có chất lượng khá cao.

Phạm vi phát hiện mục tiêu của radar là 15km và có thể truy dò chính xác vị trí, giúp cho các xạ thủ tính toán vị trí bắn hiệu quả. Gepard được trang bị 2 radar và máy đo laser nhằm tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu. 

Pháo phòng không tự hành Gepard được đặt trên khung gầm của xe tăng Leopard 1. Là một xe chiến đấu đa năng, hệ thống phòng không này nổi tiếng với khả năng hoạt động được trong mọi thời tiết. 

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm