Chuyên gia lo tên lửa Triều Tiên có bước tiến mới, đủ sức đe dọa Mỹ
Các chuyên gia quân sự cho rằng độ phóng của các tên lửa mà Triều Tiên thử gần đây là nhằm vào điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Mỹ và đồng minh.
Sau khi xem một loạt những bức ảnh về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, chuyên gia quân sự Choi Kang, người từng là cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc và hiện đang là phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asan nhận định rằng ông vừa ấn tượng song cũng vừa lo ngại về các loại vũ khí này.
Các nhà quan sát đều khẳng định rằng các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng lần đầu tiên chủ động thử các loại vũ khí nhắm vào các điểm yếu của hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước khi nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo vào tháng 5/2019, Triều Tiên đã không phóng thử bất kỳ tên lửa nào kể từ tháng 11/2017. Việc dừng thử tên lửa này được đánh giá là nhân tố quan trọng tạo tiền đề cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 6/2018.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gặp nhau 2 lần nữa kể từ đó song hai bên hầu như đạt được rất ít tiến triển. Dù vậy, ông Trump đã làm hạ thấp mức độ quan trọng của các vụ tên lửa Triều Tiên gần đây và nhấn mạnh rằng ông Kim chỉ nhất trí với ông dừng thử tên lửa tầm xa và bom hạt nhân.
"Tôi nghĩ rằng ông Kim Jong Un khá thẳng thắn với tôi. Chúng tôi đều chứng kiến những điều đang xảy ra. Ông ấy thích thử tên lửa nhưng chúng tôi chưa bao giờ hạn chế các tên lửa tầm ngắn. Nhiều quốc gia cũng thử loại tên lửa này", ông Trump nhận định với báo giới hôm 23/8.
Dù vậy. các chuyên gia vẫn lo ngại rằng các vụ thử tên lửa này cho thấy Bình Nhưỡng đang tiến xa hơn nhiều trong việc phát triển các loại vũ khí so với những suy nghĩ trước đó. Các tên lửa này về lý thuyết khi hoạt động sẽ ít gây chú ý và bay nhanh hơn các loại vũ khí “tiền nhiệm”.
Một số nhà phân tích quân sự cảnh báo, những khả năng mới của các tên lửa này có thể được áp dụng với các loại tầm xa đủ sức nhắm tới Mỹ.
"Với tôi, Triều Tiên có khả năng phát triển tên lửa nội địa vô cùng mạnh mẽ và có thể triển khai các loại tên lửa này chỉ trong thời gian rất ngắn", ông Choi nhận định.
Độ phóng của các tên lửa mà Triều Tiên thử thời gian qua khiến chuyên gia Choi và các nhà phân tích khác lo ngại bởi họ cho rằng Bình Nhưỡng dường như đang nhắm tới khoảng cách giữa 2 hệ thống phòng thủ tên lửa là hệ thống Patriot và THAAD.
Hệ thống THAAD nhắm vào các tên lửa ở độ cao từ 50 - 150 km trong khi Patriot phụ trách từ độ cao 30km và phía dưới. Hàn Quốc đang nỗ lực phát triển một hệ thống vũ khí nhằm bao quát khoảng trống giữa 2 hệ thống phòng thủ này.
Nhà phân tích Kim Dong-yub thuộc Viện Nghiên cứu Viễn đông tại Đại học Kyung Nam ở Seoul nhận định các tên lửa cả Triều Tiên có thể "lọt" qua hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn Quốc bởi ở độ cao đó, chúng bay quá cao nên không lọt vào tầm bắn của Patriot và bay quá thấp so với THAAD nên hệ thống này không thể đánh chặn.
Tướng Mỹ Vincent Brooks, cựu chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc khẳng định: "Dù có khả năng hạt nhân hay không thì chúng đều là những tên lửa đe dọa đến 2 đồng minh quan trọng nhất của chúng ta ở Đông Bắc Á. Đây chắc chắn là vấn đề mà Mỹ sẽ phải chú ý để đối phó".
Mặc dù các chuyên gia lo ngại về sự tiến bộ quân sự của Triều Tiên gần đây, song ông Brooks vẫn cho rằng các lực lượng Mỹ-Hàn đủ khả năng để bảo vệ Bán đảo này cũng như khẳng định thêm rằng các vụ thử càng giúp Washington và đồng minh "hiểu hơn về khả năng" của hệ thống vũ khí Bình Nhưỡng.
Theo Kiều Anh
VOV