1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyên gia dự đoán “ngòi nổ” Triều Tiên năm 2018

(Dân trí) - Kết thúc năm 2017 với hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân, Triều Tiên năm 2018 được dự đoán sẽ tiếp tục con đường phát triển vũ khí của nước này trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ vẫn loay hoay với chiến lược đối phó Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia Harry J. Kazianis, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ do cố Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon sáng lập, xét trên nhiều khía cạnh, các hoạt động trong năm 2018 của Triều Tiên được dự đoán sẽ gần như lặp lại năm 2017. Cụ thể, Triều Tiên sẽ thực hiện thêm các vụ thử tên lửa, bắt đầu từ mùa xuân, trước khi tiến hành ít nhất một vụ thử hạt nhân, đồng thời vẫn lời qua tiếng lại với chính quyền Tổng thống Donald Trump trong lúc nhà lãnh đạo Mỹ loay hoay tìm cách đối phó với Bình Nhưỡng.

Các vụ thử tên lửa tầm xa

Triều Tiên đã hạn chế các vụ thử nghiệm tên lửa trong những tháng cuối năm 2017 và vụ phóng thử gần đây nhất hôm 29/11 cũng diễn ra cách vụ phóng trước đó hơn 2 tháng. Đây là thực tế thường thấy tại Triều Tiên khi nước này có xu hướng không thử nhiều tên lửa vào thời điểm cuối năm cho tới đầu mùa xuân năm sau.

Tuy nhiên, chuyên gia Harry dự đoán Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 thêm ít nhất một lần nữa trong vài tuần tới, tức có thể sang đầu năm 2018. Tên lửa này mới được Triều Tiên thử nghiệm 1 lần hồi cuối tháng 11, trong khi quá trình thử nghiệm tên lửa mới thường diễn ra ít nhất 2 lần.

Triều Tiên hiện sở hữu các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hiện đại hơn do nước này phát triển qua từng năm. Năm 2018, Bình Nhưỡng dự kiến sẽ vẫn tiếp tục thử nghiệm các hệ thống tên lửa này cho tới khi hoàn thiện.

Tên lửa phóng từ tàu ngầm

Chuyên gia dự đoán “ngòi nổ” Triều Tiên năm 2018 - 2

Triều Tiên từng tuyên bố về việc nước này đang phát triển các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân phóng từ dưới biển, do vậy cộng đồng quốc tế có thể sẽ tiếp tục chứng kiến các vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của nước này trong năm tới, thậm chí với quy mô và tốc độ mạnh hơn so với những năm trước đây.

Trong khi Triều Tiên đang hoàn thiện thiết kế một tàu ngầm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là sẽ rất nóng lòng công bố với thế giới bất kỳ tiến bộ nào trong chương trình tên lửa hạt nhân phóng từ dưới biển của nước này. Tên lửa phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên được dự đoán sẽ có tầm phóng từ 3.000-4.000 km và trở thành loại vũ khí mới đe dọa các căn cứ của Mỹ cũng như các đồng minh của Washington trong khu vực.

Thử vũ khí hạt nhân

Các báo cáo mới được công bố gần đây cho thấy Triều Tiên đang có các hoạt động đào xới đường hầm trở lại tại bãi thử hạt nhân truyền thống của nước này. Điều này cho thấy chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa dừng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng được dự đoán sẽ tiến hành thêm ít nhất một vụ thử hạt nhân nữa trong năm 2018 để chứng minh rằng nước này đủ khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa bắn tới lục địa Mỹ hoặc các đồng minh của Washington.

Khiêu khích dịp Olympic

Lính Triều Tiên và Hàn Quốc đứng gác tại làng đình chiến Panmunjom ở khu DMZ liên Triều. (Ảnh: AP)
Lính Triều Tiên và Hàn Quốc đứng gác tại làng đình chiến Panmunjom ở khu DMZ liên Triều. (Ảnh: AP)

Chuyên gia Harry dự đoán Triều Tiên sẽ có các động thái khiêu khích trong thời gian Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội Olympic năm 2018. Mặc dù không tấn công trực diện sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới này, song Bình Nhưỡng cũng sẽ có cách để thế giới không thể lãng quên một đất nước nằm sát cạnh Hàn Quốc và chỉ cách nhau một khu phi quân sự (DMZ).

Chuyên gia Harry cho rằng chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Olympic, chẳng hạn tấn công vào mạng lưới truyền hình kết nối với internet hoặc đường truyền băng thông rộng của Hàn Quốc nhằm đánh sập việc đưa tin của truyền thông Hàn Quốc. Thậm chí, Bình Nhưỡng có thể nhắm mục tiêu tới hệ thống ngân hàng và cây rút tiền tự động của nước láng giềng. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ làm đối với Triều Tiên.

Nga - Trung “ngó lơ” Mỹ

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump vừa công bố đã xếp Trung Quốc và Nga vào nhóm các đối thủ tìm cách thách thức quyền lực của Mỹ và làm ảnh hưởng tới an ninh cũng như sự thịnh vượng của Washington. Điều này cho thấy quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc năm 2018 sẽ khó có thể nồng ấm, từ đó sẽ ảnh hưởng tới việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Động thái trên của chính quyền Mỹ có thể sẽ càng củng cố lập trường của Trung Quốc rằng, nước này đã làm hết sức có thể để giúp Mỹ trong việc kiềm chế mối đe dọa Triều Tiên và do đó, Bắc Kinh sẽ không tiếp tục nghe theo Mỹ trong vấn đề Triều Tiên trong thời gian tới. Theo đó, Trung Quốc sẽ không cấm vận xăng dầu với Bình Nhưỡng và có thể giảm mức độ trừng phạt với quốc gia láng giềng.

Cũng giống như Trung Quốc, mục tiêu của Nga đối với Triều Tiên chỉ đơn giản là đảm bảo rằng Bình Nhưỡng sẽ không sụp đổ và không để xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, cả Nga và Trung Quốc đều có những toan tính riêng trong mối quan hệ với Mỹ và Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo Fox

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm