1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật mới của Nga nhằm làm kiệt quệ hệ thống phòng không Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nga được cho là đang sử dụng các tên lửa hành trình không gắn đầu đạn hạt nhân để nhắm vào các mục tiêu ở Ukraine nhằm làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Kiev, một quan chức quân đội Mỹ nhận định.

Chiến thuật mới của Nga nhằm làm kiệt quệ hệ thống phòng không Ukraine - 1

Một tàu chiến của Nga khai hỏa tên lửa hành trình nhằm vào Ukraine, bức ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 31/10 (Ảnh: AP).

"Ở mức độ nào đó, có thể chắc chắn rằng, họ (Nga) đang tìm cách vô hiệu hóa các hệ thống phòng không mà Ukraine đang sử dụng", một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc phát biểu với phóng viên ngày 29/11.

Bình luận được đưa ra sau khi quan chức này được hỏi về đánh giá mới đây của giới tình báo quân đội Anh rằng Nga dường như đang tháo đầu đạn hạt nhân khỏi các tên lửa hành trình và dùng những tên lửa đó để tập kích Ukraine.

Theo đó, dựa trên phân tích hình ảnh các mảnh vỡ, các chuyên gia quân sự Anh cho rằng loại tên lửa được sử dụng là Kh-55 SM, sản xuất vào những năm 1980. Kh-55 SM là tên lửa hành trình chiến lược cận âm, phóng từ trên không, tầm bắn 2.500 km.

Kh-55 có thể mang đầu đạn hạt nhân 200 kiloton và được trang bị riêng cho các máy bay ném bom chiến lược của Nga như Tu-95MS và Tu-160, cho phép chúng tấn công mục tiêu từ ngoài tầm đánh chặn của mọi tổ hợp phòng không đối phương. Loại tên lửa này khi tháo đầu nổ vẫn có thể gây thiệt hại thông qua động năng và lượng nhiên liệu chưa tiêu thụ, nhưng khó đạt hiệu quả như các quả đạn hoàn chỉnh.

Giới tình báo quân sự Anh phỏng đoán, Nga phải sử dụng những tên lửa này để làm hao mòn nguồn lực phòng không của Ukraine là bởi kho tên lửa của Moscow cũng đang cạn kiệt.

"Nga gần như chắc chắn muốn những quả tên lửa này hoạt động như mồi bẫy hệ thống phòng không của Ukraine. Bất kể ý định của Nga là gì, điều này cho thấy kho tên lửa tầm xa của Nga đang cạn kiệt", báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh nhận định.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) cũng đưa ra đánh giá tương tự.  "Việc quân đội Nga có khả năng sử dụng một hệ thống vũ khí có vai trò chiến lược hơn để làm mồi bẫy lực lượng phòng không Ukraine đã chứng minh báo cáo trước đây rằng quân đội Nga đang cạn đáng kể kho tên lửa chính xác cao".

Kể từ đầu tháng 10, Nga liên tục thực hiện các cuộc tập kích tên lửa diện rộng ở Ukraine, phá hủy hơn một nửa hạ tầng năng lượng của nước này. Theo Lầu Năm Góc, chiến lược tập kích này của Moscow nhằm làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Kiev và cuối cùng Nga có thể chiếm ưu thế trên không.

Vì lý do đó, Mỹ và các đồng minh đang tập trung cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không, từ tổ hợp chế tạo từ thời Liên Xô đến những tổ hợp hiện đại của phương Tây. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ xác nhận, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot là một trong những phương án đang được cân nhắc.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hôm 29/11 cảnh báo, nếu phương Tây viện trợ Patriot cho Ukraine, các tổ hợp này sẽ trở thành "mục tiêu tấn công chính đáng" của Nga.

"Nếu NATO cung cấp cho Ukraine các tổ hợp Patriot cùng với nhân sự hỗ trợ, chúng sẽ lập tức trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của quân đội Nga", ông Medvedev viết trên Telegram.

Theo Reuters, AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine