Chiến thuật giúp USV Ukraine lần đầu hạ tiêm kích Nga
(Dân trí) - Vụ xuồng không người lái (USV) của Ukraine lần đầu trong lịch sử bắn rơi tiêm kích Nga cho thấy chiến thuật của Kiev để săn lùng vũ khí quan trọng của đối phương trên Biển Đen.

Một tiêm kích Su-30MS của Nga (Ảnh: Wikipedia).
Ngày 2/5, một xuồng không người lái (USV) của Ukraine, được trang bị tên lửa không đối không R-73, đã bắn rơi một tiêm kích hải quân Su-30SM của Nga cách Novorossiysk khoảng 50km về phía tây.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hàng không một máy bay chiến đấu bị hạ gục bởi phương tiện không người lái trên biển.
Chiếc Su-30SM được cho là đã cất cánh từ căn cứ không quân Saki ở bờ tây bán đảo Crimea.
Phi công đã nhảy dù an toàn và sau đó được một tàu chở hàng dân sự giải cứu. Các USV của Ukraine xuất hiện xung quanh khu vực phi công rơi xuống biển nhưng không can thiệp vào quá trình cứu hộ
Video do cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) công bố cho thấy cảnh tên lửa bắn trúng mục tiêu và phá hủy máy bay, các mảnh vỡ lớn lao xuống biển.
Vụ việc ngày 2/5 không phải chưa từng có tiền lệ. Ngày 31/12/2024, cơ quan tình báo quân sự Ukraine (HUR) thông báo một drone hải quân Magura V5, cũng mang tên lửa R-73, đã bắn rơi một trực thăng Mi-8 của Nga gần mũi Tarkhankut, Crimea, đánh dấu lần đầu tiên một USV bắn hạ trực thăng trong chiến đấu.
Ban đầu, Nga sử dụng tiêm kích và trực thăng vũ trang để đối phó USV tự sát và trinh sát của Ukraine. Trực thăng linh hoạt, tốc độ thấp nên hiệu quả cao hơn, nhưng tiêm kích có ưu thế về thời gian phản ứng.
Để giảm nguy cơ USV bị bắn trên biển, Ukraine, được cho là có hỗ trợ từ Anh, bắt đầu đưa vũ khí lên các xuồng. Những thử nghiệm ban đầu sử dụng pháo phòng không, sau đó phát triển lên hệ thống MLRS, tên lửa phòng không và UAV FPV.
Đến tháng 5/2024, Ukraine đã lắp tên lửa R-60 và R-73 lên một số USV. Các tên lửa dẫn đường hồng ngoại này không đòi hỏi ngắm chính xác trước khi phóng, rất phù hợp với nền tảng trên biển.
Việc tích hợp này không đơn giản: Cần bệ phóng tự chế trên giá ổn định con quay, phối hợp với hệ thống lái tự động, kiểm soát hành trình và đường truyền dữ liệu của USV.
Chiến thuật của Ukraine
Ukraine tuyên bố lần đầu bắn rơi tiêm kích Nga từ xuồng không người lái (Video: Quân đội Ukraine).
Địa điểm bắn rơi Su-30SM đặc biệt đáng chú ý. Các USV Ukraine đã tiếp cận sát bờ Crimea và tập kết gần bờ biển Novorossiysk của Nga, sâu trong vùng biển tranh chấp, xa bờ biển Ukraine.
Chiến thuật có vẻ giống vụ bắn hạ Mi-8 tháng 12/2024: Một đội 20-30 USV, chia vai trò rõ ràng (phòng không với tên lửa R-73, trinh sát, tấn công cảm tử) âm thầm áp sát bờ biển Nga, có thể đã phục kích chờ sẵn.
Khả năng hoạt động kín đáo gần lãnh thổ Nga cho thấy Ukraine có thể được hỗ trợ từ các nền tảng trinh sát trên không và vệ tinh của phương Tây. Đáng chú ý, vụ phục kích diễn ra cách bờ khoảng 50km, ngoài phạm vi tuần tra ven biển thường xuyên của Nga.
Nhiều khả năng chiến dịch bắt đầu khi một hoặc vài USV trinh sát đóng vai trò "mồi nhử," buộc Nga phải điều động tiêm kích. Khi các máy bay Nga lao đến truy đuổi, chúng lọt vào "vùng ngắm bắn" đã được dàn sẵn với USV mang tên lửa tầm nhiệt.
Phương án đối phó hiệu quả nhất với mối đe dọa từ USV của Ukraine là duy trì tuần tra hàng hải trên Biển Đen, lý tưởng nhất bằng máy bay trinh sát IL-38 hoặc UAV tấn công.
Tuy nhiên, Hải quân Nga có thể chỉ sở hữu số lượng hạn chế IL-38, còn Orion bị cho là cảm biến và tầm bay đủ để giám sát vùng biển trên diện rộng.
Dù có tin Orion từng phá hủy USV, tốc độ chậm khiến chúng khó cơ động kịp thời trước các mối đe dọa nhanh.
Việc USV bắn rơi tiêm kích Nga là bước ngoặt lịch sử, nhưng về mặt kỹ thuật, bắn rơi tiêm kích không hẳn khó hơn trực thăng, vì 2 lý do.
Thứ nhất, trong nhiệm vụ chống USV, tiêm kích chỉ bay nhanh hơn trực thăng một chút, nhưng lại kém linh hoạt rõ rệt. Ở độ cao thấp, tốc độ cao khiến phi công khó bổ nhào chính xác để ngắm mục tiêu trên biển nhỏ, nhanh.
Thứ hai, tên lửa R-73 phóng từ mặt biển dễ khóa hồng ngoại hơn vào buổi tối, khi không có "nhiễu nhiệt" từ mặt trời hay mặt đất. Trong tác chiến không đối không, những nhiễu này thường làm giảm độ tin cậy của tên lửa.
Dù nhiều lần chạm trán, Nga vẫn chưa có giải pháp hiệu quả trước USV của Ukraine. Thực tế thì hiện tại chưa quốc gia nào có biện pháp hiệu quả với dòng vũ khí này.
Tốc độ, phần thân nằm thấp và chiến thuật bầy đàn của các USV tạo ra mối đe dọa mới mà học thuyết và hệ thống hải quân hiện nay chưa sẵn sàng đối phó.
Cũng cần lưu ý vụ tấn công ngày 2/5 không phải hành động đơn lẻ của USV, mà là một đòn tấn công phối hợp đa miền, kết hợp USV trên biển và UAV trên không.
Một số USV của Ukraine mang theo cả UAV FPV. Trong khi đó, các UAV tầm xa tấn công Novorossiysk được cho là phóng từ khu vực Odessa, thêm bằng chứng về sự tinh vi ngày càng tăng trong chiến thuật tác chiến của Ukraine ở Biển Đen.