1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật của Nga buộc Ukraine đàm phán hòa bình vào mùa đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin tin rằng giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông sẽ góp phần dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine.

Chiến thuật của Nga buộc Ukraine đàm phán hòa bình vào mùa đông - 1

Lực lượng Ukraine tấn công mục tiêu của Nga ở Donbass (Ảnh: AFP).

Reuters dẫn các nguồn tin Nga thân cận với Điện Kremlin cho biết, Nga đang đặt cược rằng, giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu khí đốt có thể xảy ra vào mùa đông năm nay sẽ thuyết phục châu Âu kéo Ukraine vào bàn đàm phán với một thỏa thuận ngừng bắn theo các điều kiện của Nga.

Theo các nguồn tin trên, đây là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình mà Moscow nhận thấy, vì Kiev tuyên bố rằng họ sẽ không đàm phán cho đến khi Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine.

"Chúng tôi có thời gian, chúng tôi có thể chờ đợi. Sắp tới sẽ là một mùa đông khó khăn đối với người dân châu Âu. Chúng tôi có thể thấy các cuộc biểu tình, sự bất ổn. Một số nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ cân nhắc về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cho rằng đã đến lúc phải đạt được thỏa thuận (với Nga)", một nguồn tin thân cận với nhà chức trách Nga cho biết.

Theo nguồn tin thứ hai thân cận với Điện Kremlin, Nga nghĩ rằng họ đã thấy sự thống nhất của châu Âu đang lung lay và hy vọng quá trình này sẽ gia tăng trong bối cảnh mùa đông khó khăn sắp tới.

"Sẽ thực sự khó khăn nếu cuộc chiến kéo dài sang mùa thu và mùa đông. Vì vậy, Nga hy vọng Ukraine sẽ đề nghị đàm phán hòa bình", nguồn tin cho biết thêm.

Tuy nhiên, Ukraine nói rằng, cho đến nay họ chưa thấy phương Tây có dấu hiệu giảm bớt sự ủng hộ dành cho Kiev.

Trong một thông báo trên Twitter gửi tới người dân Ukraine nhân ngày Quốc khánh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "EU đã đồng hành cùng các bạn trong cuộc chiến này ngay từ đầu. Và chúng tôi sẽ đồng hành cho đến khi nào còn cần thiết".

Với viện trợ quân sự lên đến hàng tỷ USD từ Mỹ và các nước phương Tây khác, cùng với hoạt động huấn luyện và chia sẻ thông tin tình báo, Ukraine cho rằng họ có cơ hội thay đổi cán cân trên thực địa.

Theo ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, "để các cuộc đàm phán với Nga trở nên khả thi, cần phải thay đổi hiện trạng ở mặt trận có lợi cho lực lượng vũ trang Ukraine".

"Điều cần thiết là quân đội Nga phải chịu những thất bại chiến thuật đáng kể", ông Podolyak tuyên bố.

Các quan chức Mỹ cho biết, họ tin rằng Nga vẫn duy trì mục tiêu ban đầu khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine là kiểm soát thủ đô Kiev, nhưng Moscow cho đến nay chưa đạt được mục tiêu này.

Các quan chức Mỹ nhận định, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Nga có ý định giảm leo thang xung đột. Họ cho rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài.

Andrey Kortunov, người đứng đầu RIAC, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại thân cận với Bộ Ngoại giao Nga, cho biết không bên nào muốn thua cuộc trước.

"Cả hai bên đều tin rằng theo thời gian, vị thế của họ có thể trở nên vững chắc hơn. Thực tế, rất khó để có thể sớm đạt được một thỏa thuận chính trị", ông Kortunov dự đoán.

Cả Nga và Ukraine đều đang trong một cuộc chiến tiêu hao khi không bên nào đạt được bước ngoặt. Các lực lượng Nga chỉ đạt được những bước tiến nhỏ ở miền Đông Ukraine trong tháng 7.

Neil Melvin, nhà phân tích tại tổ chức RUSI ở London, cho biết, hoạt động của lực lượng Ukraine từ nay cho tới mùa đông có thể xác định hướng đi của cuộc chiến. Nếu cuộc chiến càng kéo dài, nguy cơ chia rẽ giữa phương Tây và Ukraine càng lớn khi giá nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực tăng cao.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm