1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến thuật cổ điển giúp Nga chiếm ưu thế tại pháo đài miền Đông Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Nga được cho là đã sử dụng chiến thuật được áp dụng từ thời Thế chiến 2 nhằm giành ưu thế tại mặt trận Bakhmut, miền Đông Ukraine.

Chiến thuật cổ điển giúp Nga chiếm ưu thế tại pháo đài miền Đông Ukraine - 1
Quân đội Nga được cho là đang sử dụng những xe bọc thép cỡ nhỏ như UR-77 Zmei để tấn công Bakhmut (Ảnh: Defense Express).

Thời gian gần đây, quân đội Nga đang dồn toàn lực để nhanh chóng giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Bakhmut ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Giới chức Ukraine thừa nhận tình hình tại pháo đài miền Đông này đang diễn biến hết sức khó khăn cho lực lượng phòng thủ Ukraine.

Theo trang Defense Express, những khó khăn lớn nhất mà lực lượng phòng thủ Ukraine đang phải đối mặt tới từ ưu thế hỏa lực vượt trội của quân đội Nga. Moscow được cho là đã áp dụng một chiến thuật được Hồng quân Liên Xô sử dụng trong các trận chiến từ hồi Chiến tranh thế giới thứ 2 để chiếm ưu thế tại mặt trận Bakhmut.

Theo đó, giống những gì được thực hiện trong trận chiến giành quyền kiểm soát thành phố Poznan (nay thuộc Ba Lan) hồi tháng 2/1945, trước khi tung bộ binh vào cuộc, quân đội Nga đã gây hoang mang cho đối phương bằng những trận mưa hỏa lực dữ dội.

Tại Poznan, quân đội Liên Xô được cho là đã bắn tới hàng nghìn quả đạn pháo vào các cứ điểm của đối phương trong thành phố. Con số này tương đương với lượng đạn pháo Nga đang sử dụng tại mặt trận Bakhmut.

Trước đó, 12 đơn vị pháo binh Nga đã được điều động tới tham chiến tại "chảo lửa" miền Đông Ukraine. Trong số các đơn vị pháo binh của Nga có mặt tại Bakhmut, giới quan sát đã ghi nhận sự tham gia của các lựu pháo 2S19M2 Msta-S cải tiến, pháo tự hành 2S5 Hyacinth-S, pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan cùng lựu pháo tự hành mạnh nhất thế giới 2S4 Tyulpan. Ngoài ra, các đơn vị pháo binh của Lữ đoàn đổ bộ đường không số 31 và Sư đoàn dù số 76 cũng mang đến Bakhmut các súng cối cỡ nòng 82 và 120mm.

Những trận pháo kích dữ dội của Nga không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Bakhmut mà còn khiến lực lượng phòng thủ của Ukraine phải phân tán nhằm tránh thiệt hại.

Bên cạnh đó, giống như những gì đã diễn ra tại Poznan, quân đội Nga thường xuyên sử dụng các loại xe cơ giới bọc thép cỡ nhỏ, trong đó có cả xe công binh UR-77 Zmei để đột kích vào các mục tiêu của Ukraine. Những nhóm biệt kích với quân số khoảng 10-15 người từ công ty quân sự tư nhân Wagner cũng liên tục luồn ra sau tuyến phòng ngự của quân đội Ukraine để thực hiện những đòn tập kích bất ngờ. Nhiều tòa nhà tại Bakhmut đã bị phá hủy bởi những đòn tập kích này của quân đội Nga.

Chiến thuật trên của Nga được cho là đã phát huy hiệu quả, khi quân đội nước này đang chiếm ưu thế một cách gần như tuyệt đối về mặt hỏa lực tại Bakhmut. Ưu thế này khiến nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đưa ra dự đoán Ukraine sẽ sớm rút quân khỏi thành trì ở miền Đông nhằm bảo toàn lực lượng.

Trong một phát biểu cập nhật tình hình chiến sự hôm 5/2, Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định các lực lượng nước này, với sự yểm trợ từ pháo binh và máy bay chiến đấu, đã giành thêm nhiều vị trí có lợi từ quân đội Ukraine tại mặt trận Donetsk.

Nga điều trọng pháo, san phẳng nhiều mục tiêu quân sự của Ukraine

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm