Chiến thuật bọc lót giúp "xe tăng bay" Nga phá hủy các mục tiêu của Ukraine
(Dân trí) - Nga dường như đang triển khai phiên bản nâng cấp của Su-25 tại Ukraine và cường kích này hoạt động hiệu quả nhờ vào chiến thuật bọc lót của các tiêm kích Su-35 hay Su-30MS.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải bài viết mô tả tính năng vượt trội của tiêm kích Su-25SM3, bản nâng cấp của Su-25. Bài thông báo đi kèm ký tự "Z", biểu tượng của chiến dịch quân sự Nga đang tiến hành ở Ukraine. Điều này cho thấy Nga dường như đã đưa các tiêm kích phiên bản mới tới Ukraine.
Trước đó, truyền thông nhà nước Nga cũng dẫn các nguồn tin nói rằng, Su-25SM3 dường như đã được đưa tới Ukraine.
Diễn biến này có thể tác động tới chiến lược của Nga trong giai đoạn kế tiếp trong bối cảnh các nguồn tin cho thấy Moscow dường như đang chuẩn bị cho một cuộc không chiến quy mô lớn ở Ukraine. Mặt khác, các cường kích có vai trò quan trọng trong việc tập kích các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là ở các khu vực thành trì như Bakhmut ở Donbass.
"Xe tăng bay" Su-25SM3 là phiên bản cập nhật của Su-25 Grach, một loại máy bay cường kích bọc thép được chế tạo để hỗ trợ trực tiếp cho các lực lượng mặt đất trên chiến trường suốt ngày đêm, trong các điều kiện thời tiết.
Su-25SM3 có tầm chiến đấu 650km, tốc độ tối đa 975km/h và tải trọng 4,4 tấn. Phiên bản nâng cấp ưu việt hơn hẳn Su-25 nhờ hệ thống định vị và xác định mục tiêu SOLT-25 (quang học, laser, ảnh nhiệt) mới. Ví dụ, thiết bị xác định mục tiêu đo khoảng cách bằng laser tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đạn thông minh dẫn đường bằng laser. Nhờ vậy, máy bay có thể tự động xác định vị trí mục tiêu.
Quan trọng hơn, biến thể nâng cấp được trang bị hệ thống dẫn đường GLONASS cho phép máy bay định hướng và vận hành vũ khí trang bị chính xác cao. Hệ thống này có thể giúp tăng độ chính xác của vũ khí không dẫn đường lên ngang với vũ khí được tích hợp hệ thống dẫn đường.
Hơn nữa, Su-25SM3 có thể phá hủy các mục tiêu nhỏ trên mặt đất và trên không cả ngày lẫn đêm và có sức sát thương cao gấp 3 lần so với các biến thể Su-25 trước đó. Máy bay được trang bị pháo tự động 2 nòng 30 mm GSh-30-2 và một loạt các loại bom và tên lửa không đối đất khác.
Không chỉ vậy, cường kích tiên tiến này còn tích hợp hệ thống phòng vệ trên không Vitebsk - chuyên chống lại dòng tên lửa dẫn đường và tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) bằng cách gây nhiễu quang học và điện tử. Trong bối cảnh phương Tây gia tăng viện trợ MANPADS cho Ukraine, sự xuất hiện của Vitebsk là cần thiết với Nga.
Chiến thuật bọc lót
Chuyên gia quân sự Vijainder K. Thakur nhận định với Eurasian Times rằng, trong thời gian qua, số lượng Su-25 của Nga bị mất tại Ukraine đã giảm đi nhiều.
Ngoài việc nâng cao năng lực phòng thủ cho chính Su-25SM3, Nga đã sử dụng chiến thuật bọc lót trên không, theo ông Thakur. Các tiêm kích nhận nhiệm vụ này là Su-35S và Su-30SM hay MiG-31.
Để các cường kích, máy bay ném bom và trực thăng của Moscow có thể gia tăng hoạt động một cách an toàn trên không phận xung đột, Không quân Nga đã điều động các tiêm kích tuần tra vùng trời tại chiến trường 24/7. Nhờ vậy, dàn máy bay Su-34, Su-25, trực thăng Mi-28, Mi-35, Ka-52 mới có thể tăng cường tấn công mục tiêu và khí tài của Ukraine.
Ví dụ, Su-35S là tiêm kích đóng vai trò tuần tra, chiếm ưu thế trên không. Nó bay ở độ cao trung bình và được trang bị tên lửa không đối không (A2A) và tên lửa chống radar (ARM). Tên lửa A2A có nhiệm vụ bắn rơi các tiêm kích đối thủ đe dọa tới máy bay Nga, trong khi ARM có tác dụng tấn công radar phòng không đối thủ dùng để dò vũ khí Moscow.
Nhờ chiến thuật bọc lót, Không quân Nga trong thời gian qua đảm bảo được mục tiêu ngăn máy bay, vũ khí bị bắn rơi trong các trận không chiến, đồng thời gia tăng thiệt hại cho đối thủ.
Với việc tạo ra các lớp phòng thủ và tấn công trên không, Eurasian Times nhận định, Không quân Nga đang triển khai hết các tính năng trên dàn vũ khí họ sở hữu và kết hợp một cách bài bản lẫn nhau để bọc lót hiệu quả trên chiến trường.