Chiến sự Israel - Hamas và bài toán rất khó của ông Biden
(Dân trí) - Tổng thống Biden muốn tập trung các nguồn lực để đối đầu Trung Quốc và không chú trọng tới các vấn đề Trung Đông. Tuy nhiên, chiến sự Israel và Hamas tại Dải Gaza đã đặt ông vào tình thế rất khó.
Trung Đông ở đâu trong chính sách đối ngoại của ông Biden?
Với Tổng thống Mỹ Joe Biden, cạnh tranh với Trung Quốc nhằm củng cố vị thế của Mỹ trên toàn cầu là trọng tâm của chính sách đối ngoại. Đối với khu vực Trung Đông, ông Biden theo đuổi cách tiếp cận mới là tạo dựng trạng thái "yên bình tương đối" để Mỹ có thể dịch chuyển sự can dự khỏi khu vực. Vì thế, vấn đề Israel - Palestine không phải mối quan tâm chính của ông.
Tuy nhiên, xung đột xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine đã bùng nổ trong những ngày qua. Cuộc xung đột đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra bất kỳ lúc nào tại khu vực mâu thuẫn kéo dài hàng ngàn năm qua về lãnh thổ, tôn giáo, chính trị.
Những người tự do ở Mỹ cho rằng chính sách định cư của Israel chính là mồi lửa xung đột và muốn ông Biden cứng rắn hơn với Thủ tướng Israel Netanyahu trước các cuộc không kích gây thương vong cho thường dân ở Dải Gaza. Còn phe Cộng hòa lại cáo buộc ông Biden tạo tiền đề cho bạo lực khi nhân nhượng Iran, quốc gia được cho là tài trợ cho Hamas. Vì thế, ông Biden có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận bị kéo vào cuộc.
Trên thực tế, sau thời gian "im lặng", Mỹ đã chạy đua tìm cách tháo gỡ xung đột Israel - Palestine. Tổng thống Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một lệnh ngừng bắn và đã thảo luận về cam kết của Mỹ với Ai Cập và các đối tác khác nhằm tìm kiếm giải pháp ổn định bền vững, vì "cả hai đều xứng đáng với quyền được sống, quyền an toàn và đảm bảo an ninh". Theo Nhà Trắng, ông Biden đã khuyến khích Israel thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo an toàn cho dân thường vô tội. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng đã có nhiều cuộc điện đàm với người đồng cấp Qatar, Ai Cập và Saudi Arabia về tình hình xung đột Israel - Palestine. Cuối cùng, sau 11 ngày giao tranh dữ dội, Israel và Hamas đã đạt được lệnh ngừng bắn, có hiệu lực từ ngày 21/5.
Trong khi đó, Washington Post dẫn các nguồn tin trong Quốc hội Mỹ cho biết, Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 735 triệu USD cho Israel. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 18/5 cũng lên tiếng về khả năng hỗ trợ quân sự cho Israel trong các cuộc giao tranh với lực lượng Hamas.
"Chuyển dịch sự can dự chỉ là một ảo tưởng"
Mặc dù bị kéo trở lại để tham gia vào giải quyết cuộc xung đột tại Dải Gaza, Mỹ đang vướng những mâu thuẫn không dễ giải quyết. Trước hết, ông Biden gần như bỏ qua tiến trình hòa bình Trung Đông trong những ngày đầu nhậm chức. Ông đang muốn nhanh chóng rút quân khỏi khu vực để có thêm nguồn lực cho các trọng tâm và các khu vực cần ưu tiên khác. Tuy nhiên, với tình hình tồi tệ hiện nay, Mỹ có thể khó có thể thực hiện được ý định này. Và như vậy, rất có thể có những tác động làm thay đổi định hướng chiến lược của ông Biden.
Thứ hai, Mỹ đang gặp khó trong xử lý quan hệ với cả Israel và Iran - hai bên vốn là địch thủ của nhau. Ông Biden nhấn mạnh "sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với an ninh của Israel và quyền hợp pháp của Israel", bán vũ khí cho Israel và điều máy bay chiến đấu tới Ả Rập Xê Út nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực.
Mặt khác, Mỹ muốn tiếp tục tiến hành các giai đoạn đàm phán quan trọng về JCPOA với Iran. Nếu Israel tiếp tục mở rộng xung đột và Iran nhiều khả năng sẽ can thiệp vào cuộc xung đột này. Khi đó buộc Mỹ phải tiếp tục hỗ trợ đồng minh, như vậy sẽ hình thành thế đối lập với Iran và kết quả của các vòng đàm phán trước đó có thể bị vô hiệu hóa.
Theo ông Jonathan Schanzer, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (trụ sở Washington, Mỹ), trường hợp JCPOA được thực thi, hàng tỉ USD sẽ quay lại với Iran sau khi các lệnh trừng phạt được tháo gỡ. Với tiềm lực tài chính mạnh hơn, Tehran có thể sẽ dùng số tiền này tài trợ cho các tay súng Hamas. Đài CNBC (Mỹ) ngày 17/5 dẫn lời ông Schanzer cho rằng việc quay lại với JCPOA sẽ làm suy yếu nỗ lực của Mỹ trong việc chấm dứt xung đột Israel - Palestine.
Thứ ba, chính quyền ông Biden muốn thúc đẩy vấn đề nhân quyền trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ mới. Thế nhưng, bạo lực diễn ra nhiều tuần qua ở Dải Gaza, bắt nguồn từ việc Israel tìm cách trục xuất một số gia đình người Palestine ra khỏi nhà ở khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem. Sự ủng hộ của ông Biden đối với Israel và lên án Hamas rõ ràng không chứng minh được cam kết này của ông.
Trả lời trang tin Vox, Giáo sư Shibley Telhami thuộc Đại học Florida (Mỹ) nhận định, giờ là lúc Mỹ chịu áp lực phải thể hiện rõ nguyên tắc tôn trọng quyền con người vì cả thế giới đang dõi theo diễn biến ở Dải Gaza. Nếu chỉ vì muốn giữ lấy quan hệ đồng minh Israel thì chính quyền ông Biden sẽ có nguy cơ đánh mất uy tín trong mắt cộng đồng quốc tế. Việc Mỹ không ủng hộ Liên Hợp Quốc ra tuyên bố chung cũng cho thấy quyền con người đối với Palestine không được tôn trọng.
Thứ tư, một số thành viên đảng Dân chủ cảm thấy thất vọng về sự dịch chuyển chậm chạp của chính quyền Biden nhằm đảo ngược các chính sách của ông Trump. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết sẽ mở lại Lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem, nhưng cho tới nay vẫn chưa thực hiện. Điều đó đặt ông Biden vào thế bất lợi khi đối mặt với lời kêu gọi ngày càng gia tăng ở Washington về việc nhanh chóng hành động để chấm dứt những cuộc giao tranh.
Aaron David Miller, cựu quan chức ngoại giao, nói: "Việc thiếu một đại sứ tại Israel và một tổng lãnh sự ở Jerusalem là một vấn đề nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng này".
Hussein Ibish, học giả cấp cao tại viện Arab Gulf States Institute ở thủ đô Washington D.C, nhận định: "Việc dịch chuyển sự can dự khỏi Trung Đông là một ảo tưởng. Thậm chí, nếu muốn dịch chuyển về châu Á hay tập trung vào cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn thì nguồn năng lượng khổng lồ ở Trung Đông vẫn có vai trò rất quan trọng".
Ông Ibish cũng nhận định, cuộc xung đột Israel - Palestine "chưa bao giờ biến mất" và "sự trầm lắng chỉ là viển vông" khi xung đột có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.
Có thể thấy những biểu hiện và động thái trước cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông phản ánh tình trạng bối rối của chính quyền Mỹ, vốn đang trong quá trình tái hoạch định chiến lược nói chung và chiến lược ở Trung Đông nói riêng. Liệu các nguyên tắc mà chính quyền Biden đặt ra có thắng thế hay không, điều đó còn tùy thuộc khả năng Washington cân bằng như thế nào giữa lợi ích quốc gia và các giá trị mà họ đang theo đuổi.