1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến lược "tựa dây thừng" của Ukraine nhằm vắt kiệt quân đội Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine đang áp dụng chiến lược rút lui chậm, tối đa hóa tổn thất của Nga nhằm bào mòn nguồn lực của Moscow.

Chiến lược tựa dây thừng của Ukraine nhằm vắt kiệt quân đội Nga - 1

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị hỏa lực ở Donbass (Ảnh: New York Times).

Chiến lược "tựa dây thừng"

Trong suốt năm qua, Ukraine đã mất vào tay Nga một loạt thành phố, thị trấn và làng mạc ở khu vực Donbass, miền Đông nước này. Điển hình là việc rút quân sau những trận chiến cam go đôi khi kéo dài hàng tháng, hàng năm trời.

Marinka là nơi đầu tiên thất thủ hồi tháng 1, dấu hiệu cho thấy Nga đã lấy lại động lực trên chiến trường. Sau đó là Avdiivka, một thành phố công nghiệp nơi binh sĩ Ukraine ẩn náu trong một mê cung dày đặc gồm các chiến hào và hầm trú ẩn.

Gần đây nhất, tuần qua, Ukraine đã rút lui khỏi Vuhledar, một thị trấn khai thác mỏ nằm trên vùng đất cao, là trụ cột phòng thủ của Ukraine ở phía đông nam.

Đối với những người quan sát bên ngoài, việc Ukraine rút lui chậm nhưng đều đặn khỏi khu vực Donbass, chiến trường chính của cuộc chiến ngày nay, dường như báo hiệu sự bắt đầu của cuộc chiến cuối cùng, với việc Moscow chắc chắn giành được ưu thế, tận dụng lợi thế áp đảo về nhân lực, hỏa lực.

Tuy nhiên, các chỉ huy và chuyên gia quân sự Ukraine nói rằng một cuộc chiến quan trọng hơn đang diễn ra trong khu vực vượt xa những gì được và mất về lãnh thổ đơn giản.

Họ lập luận, bây giờ đây là một cuộc chiến tiêu hao, với việc mỗi bên cố gắng làm cho bên kia kiệt sức bằng cách gây ra tổn thất tối đa, hy vọng phá vỡ khả năng và ý chí tiếp tục xung đột của đối phương.

Trong suốt mùa hè, Nga đã điều động các đợt quân được hỗ trợ bởi các đoàn xe bọc thép, thực hiện các cuộc tấn công dồn dập bằng máy bay không người lái, bom và đạn pháo vào các vị trí của Ukraine.

Ukraine đang ở thế bất lợi cố hữu trong kiểu trận chiến này. Họ có ít nhân lực hơn và mặc dù được phương Tây hỗ trợ nhưng Ukraine vẫn bị áp đảo về hỏa lực.

Điều đó khiến Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chiến lược mà Mykola Bielieskov, một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược do chính phủ Ukraine điều hành, gọi là "đổi lãnh thổ lấy tổn thất của Nga".

Ý tưởng là sử dụng "chiến thuật tựa dây thừng" (rope-a-dope), rút quân chậm, để lực lượng Nga dồn dập tấn công cho đến khi bị vắt kiệt về nhân lực về vật lực.

"Chiến thuật tựa dây thừng" là một kỹ thuật trong đấu quyền anh khi một đấu thủ dựa vào dây của võ đài để tung ra những cú đấm tấn công không gây thương tích nhằm cố gắng khiến đối thủ kiệt sức và khi họ ở trên dây, hãy cố gắng thực hiện những cú đấm tấn công tàn khốc.

Một chiến lược có thực tế?

Với việc Moscow cho đến nay đã chứng tỏ khả năng giảm bớt tổn thất bằng cách tuyển mộ thêm binh sĩ và tăng cường sản xuất vũ khí, vẫn chưa rõ Kiev sẽ phải từ bỏ bao nhiêu lãnh thổ trước khi quân đội Nga kiệt sức.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk phía tây Nga hồi tháng 8 đã làm cạn kiệt thêm nguồn lực của Kiev, đe dọa khả năng tiến hành rút lui có kiểm soát ở khu vực Donbass mà không khiến tiền tuyến sụp đổ.

Pasi Paroinen, một chuyên gia quân sự từ tổ chức tư vấn Black Bird Group có trụ sở tại Phần Lan, cho biết, sau cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk, Nga đã tiến công ở Donbass với tốc độ chưa từng thấy kể từ năm 2022. Trong 2 tháng qua, Nga đã kiểm soát khoảng 700km2 lãnh thổ trong khu vực, gấp 3 lần hồi tháng 6 và tháng 7.

Song Moscow vẫn còn xa mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Donbass. Để làm được điều đó, họ sẽ cần phải giành thêm 10.000km2 nữa.

"Cuộc chiến này sẽ không được quyết định bởi ai kiểm soát Vuhledar hoặc các thị trấn và thành phố tiền tuyến chiến thuật khác, mà là số lượng quân Nga đã bỏ ra để cố gắng chiếm giữ Vuhledar so với những tổn thất mà người Ukraine phải gánh chịu khi cố gắng giữ nó", Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự ở Áo, nhận định.

Donbass, gồm Lugansk và Donetsk, là tâm điểm của trận chiến tiêu hao này. Donbass gần phía tây nước Nga nên Moscow có thể dễ dàng đưa quân, thiết bị và đạn dược tới tiền tuyến ở đó. Khu vực này nằm rải rác với nhiều thị trấn và làng mạc, buộc cả 2 bên phải chiến đấu trong đô thị.

Theo trang phân tích quân sự Oryx, Nga đang tiến nhanh, nhưng cũng chịu tổn thất không nhỏ. Các nhà phân tích từ Viện Các quân chủng Hoàng gia Anh ước tính, với tỷ lệ tổn thất và năng lực sản xuất thay thế hiện nay, Nga có thể cạn kiệt kho xe chiến đấu bọc thép vào năm 2026.

Ukraine cũng bắt đầu thu hẹp khoảng cách về nhân lực và hỏa lực với Nga nhờ nguồn viện trợ từ phương Tây. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havryliuk, nếu tỷ lệ chênh lệch về sử dụng đạn pháo giữa Ukraine và Nga mùa đông năm ngoái là 1:8 thì hiện giờ là 1:3.

Ukraine hy vọng những tổn thất ngày càng tăng sẽ khiến cuộc chiến trở nên không bền vững đối với Nga trước khi điều đó xảy ra với Ukraine. "Điều quan trọng nhất là khiến đối phương kiệt sức", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước nhấn mạnh.

Nhưng ván cược của Ukraine có thực sự hiệu quả? Cuộc đột kích vào Kursk khiến Ukraine chịu rủi ro và tổn thất lớn hơn. Nguồn lực và lực lượng Ukraine bị kéo căng khiến giới phân tích hoài nghi về hiệu quả chiến lược tiêu hao của Kiev.

Trong khi đó, Nga đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến và không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẵn sàng từ bỏ cuộc chiến.

Theo New York Times, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm