Chỉ huy Ukraine: "Sát thủ đường không" của Nga ngày càng khó tiêu diệt
(Dân trí) - Các đòn không kích của Nga khiến Ukraine ngày càng gặp khó khăn để có thể đối phó hiệu quả sau khi Moscow liên tục cải tiến vũ khí.

Các đơn vị phòng không cơ động của Ukraine sử dụng súng máy gắn trên xe tải để bắn hạ máy bay không người lái của Nga (Ảnh: GIU).
Các cuộc tấn công bằng UAV của Nga đang ngày càng trở nên phức tạp, với những mối đe dọa từ Moscow ngày càng khó bị tiêu diệt hơn, theo một phó chỉ huy đội phòng không cơ động Ukraine. Ông cho biết Ukraine cần có vũ khí tầm cao hơn để đối phó hiệu quả với những "sát thủ đường không" của Nga.
Oleksiy, phó chỉ huy đơn vị phòng không thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine, cho biết chiến thuật sử dụng UAV của Nga đã thay đổi trong vài tháng gần đây: Moscow đang vận hành các máy bay không người lái ở độ cao lớn hơn và sử dụng các phiên bản cải tiến có tốc độ cao hơn. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các đơn vị phòng không, đặc biệt là những nhóm chỉ được trang bị súng máy gắn trên xe bán tải.
Trung tâm của các đợt tấn công bằng UAV của Nga vẫn là Shahed-136, loại UAV tấn công cảm tử mà Kiev cáo buộc là do Iran thiết kế và Moscow đang sản xuất trong nước. Trước đây, loại UAV này có thể bay với tốc độ trên 185km/h và mang đầu đạn nặng gần 40kg.
Dù Shahed chậm hơn và ít sát thương hơn so với tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo, chi phí sản xuất lại rẻ hơn nhiều, cho phép Nga sử dụng chúng trong các cuộc tấn công quy mô lớn. Chẳng hạn, cuối tuần trước, Moscow đã phóng tới 273 UAV vào Ukraine, một trong những cuộc tấn công bằng UAV lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra.
Oleksiy, người phụ trách bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu ở vùng ven Kiev, cho biết Nga vẫn sử dụng UAV Shahed truyền thống, nhưng hiện đã triển khai thêm phiên bản cải tiến với động cơ mạnh hơn, cho phép bay với tốc độ hơn 290km/h. Ngoài ra, Nga cũng đã gia tăng lượng thuốc nổ trên cả mẫu cũ và mẫu mới, lên hơn gấp đôi ban đầu.
Không chỉ vậy, Nga còn sử dụng các loại UAV mồi nhử, không mang đầu đạn nhưng có hình dáng giống hệt UAV tấn công, khiến Ukraine buộc phải tiêu tốn đạn dược và nguồn lực để đối phó. Dù không được trang bị vũ khí, các UAV này vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm xa.
Trước đây, Nga thường phóng Shahed ở độ cao thấp để né tránh radar, nhưng nay các UAV này bay cao hơn, trên 2.400m, vượt ngoài tầm với của các loại súng máy mà các đơn vị cơ động đang dùng. Đơn vị của ông Oleksiy sử dụng súng máy M2 Browning cỡ nòng 12,7mm gắn trên thùng xe bán tải.
Theo ông Oleksiy, chiến thuật mới này khiến các đơn vị cơ động như của ông không thể tiếp cận được UAV để khai hỏa, họ chỉ có thể quan sát và báo cáo. Các UAV cảm tử sau đó sẽ tập trung tại một khu vực cụ thể và tấn công đồng loạt. Ông thừa nhận rằng lực lượng Ukraine vẫn có thể bắn hạ một số UAV, nhưng số lượng tiêu diệt được "đang có xu hướng giảm dần".
Trong một bản cập nhật tình báo hồi tháng 2, Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga có thể phóng ít nhất 2.000 UAV mỗi tháng trong suốt cả năm.
"Để vượt qua giới hạn về độ cao và có thể ổn định tiêu diệt UAV, các đơn vị cơ động cần được trang bị thêm vũ khí," Oleksiy nói, ví dụ như các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS).
Loại MANPADS phổ biến tại Ukraine là Stinger do Mỹ sản xuất hoặc 9K38 Igla thời Liên Xô. Đây là vũ khí được thiết kế để bắn hạ các mục tiêu bay thấp như trực thăng và cả tên lửa hành trình.
"Hiện tại, chúng tôi thiếu các hệ thống MANPADS giá rẻ, dễ triển khai để bắn hạ UAV. Quân đội sẵn sàng tham gia khóa huấn luyện cấp tốc về vận hành MANPADS và sử dụng loại vũ khí này trong những tình huống không thể tiêu diệt UAV bằng súng máy", ông Oleksiy cho biết.
Ông nhấn mạnh rằng một cách tiếp cận tổng hợp, kết hợp giữa súng máy và tên lửa vác vai, sẽ giúp nâng cao năng lực phòng không của Ukraine.
"Nếu đơn vị của chúng tôi được trang bị thêm MANPADS, hiệu quả tiêu diệt các mục tiêu trên không sẽ tăng gấp đôi", ông nhấn mạnh.