1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Châu Âu "ồ ạt" mua vũ khí giữa căng thẳng Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Căng thẳng quân sự giữa Nga với Ukraine được xem là một trong những nguyên nhân khiến châu Âu trở thành "điểm nóng" mới, buộc các nước trong châu lục này tăng vọt nhu cầu nhập khẩu vũ khí.

Châu Âu ồ ạt mua vũ khí giữa căng thẳng Nga - Ukraine - 1

Một tiêm kích F-35 (Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ).

Ngày 24/2, Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên sau hàng chục năm chiến sự nổ ra trên lục địa châu Âu. Những căng thẳng dồn dập leo thang những năm qua được xem đã khiến châu Âu trở thành khu vực có mức tăng nhập vũ khí cao nhất thế giới trong 5 năm trở lại đây.

Trong khi xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu giảm 4,6% trong giai đoạn 2017-2021 so với 5 năm trước đó, mức chi của châu Âu đã tăng 19%, theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố.

"Châu Âu là điểm nóng mới," Siemon Wezeman, đồng tác giả của báo cáo thường niên trong hơn ba thập niên, nói với AFP.

"Chúng ta sẽ tăng chi tiêu quân sự của mình không chỉ một chút mà là rất nhiều. Chúng ta cần vũ khí mới và phần lớn trong số đó sẽ đến từ nhập khẩu", ông Wezeman cho biết, bổ sung rằng phần lớn vũ khí nhập về có thể đến từ các nước châu Âu và Mỹ.

Dường như lo ngại tình hình bất ổn có thể lan rộng ra toàn khu vực, các nước châu Âu dự kiến sẽ nâng cao năng lực quân sự với các tiêm kích - ví dụ F-35 của Mỹ, tên lửa, hỏa lực và các vũ khí hạng nặng khác. Hiện tại, Đức, Phần Lan và Đan Mạch đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu cho hoạt động quốc phòng.

Chuyên gia Wezeman cho biết, các nước châu Âu bắt đầu có xu hướng tăng nhập khẩu vũ khí sau sự kiện năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, cũng như giao tranh nổ ra giữa lực lượng chính phủ Ukraine và 2 vùng ly khai ở phía Đông nước này.  

Trong 5 năm qua, thị phần của châu Âu trong ngành thương mại vũ khí toàn cầu tăng từ 10 lên 13% và thị phần này dự kiến sẽ tăng đáng kể, theo ông Wezeman. Các chuyên gia ước tính kim ngạch hàng năm cho hoạt động nhập khẩu vũ khí của châu Âu có thể đạt mốc gần 100 tỷ USD.

Theo SIPRI, châu Á và châu Đại Dương vẫn là khu vực nhập khẩu chính trong 5 năm qua, nơi chiếm 43% hoạt động chuyển giao vũ khí toàn cầu và 6 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới: Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản.

Tại Trung Đông, thị trường nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, doanh số tăng 3%. Ông Wezeman dự đoán, với tình hình giá dầu thế giới tăng mạnh như hiện tại, các nước Trung Đông dường như sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các đơn hàng vũ khí lớn.

Nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới hiện vẫn là Mỹ với 39% doanh thu toàn cầu. Nga xếp vị trí thứ 2 với 19% trong 5 năm qua - con số sụt giảm đáng kể so với thời điểm trước đó do khách hàng lớn của Moscow là Trung Quốc đang dần tự chủ sản xuất vũ khí.

Ông Wezeman dự đoán, việc Nga bị "cô lập" do các lệnh trừng phạt sau chiến dịch quân sự ở Ukraine có thể sẽ khiến doanh số từ việc xuất khẩu vũ khí của họ giảm sút. Các khách hàng của Nga có thể sẽ dừng hoặc hạn chế mua vũ khí từ Moscow do lo ngại Mỹ trừng phạt.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine