Châu Âu lo lắng với "cơn ác mộng" bị Mỹ ngó lơ
(Dân trí) - Bị loại khỏi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, giới lãnh đạo châu Âu đang cân nhắc đến sự thay đổi mạnh mẽ và ngay lập tức trước khi quá muộn.

Cảnh sát Đức tuần tra bảo vệ Hội nghị An ninh Munich hôm 16/2 (Ảnh: WSJ).
Khi Mỹ và Nga bắt đầu những cuộc đàm phán về số phận của Ukraine và an ninh châu Âu, quan điểm chung ở Washington và ở Moscow hiện nay là không màng đến sự liên quan của các quốc gia châu Âu.
Trên thực tế, các nước châu Âu đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga và giới lãnh đạo "lục địa già" đang phải cân nhắc đến sự thay đổi mạnh mẽ và ngay lập tức trước khi quá muộn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của các cường quốc quân sự giữa lúc Nga - Mỹ đàm phán về tương lai của Ukraine mà không có họ và sau khi ông có cuộc gọi kéo dài 20 phút với Tổng thống Trump.
Làn sóng ngoại giao này nhằm mục đích cho thấy rằng châu Âu vẫn có vai trò trong việc giải quyết cuộc chiến sự Ukraine, ngay cả khi các quan chức cấp cao của Mỹ đã đến Ả rập Xê út để đàm phán trực tiếp với Nga.
Những gì xảy ra tiếp theo sẽ quyết định liệu liên minh các nền dân chủ châu Âu, bên trong và bên ngoài Liên minh châu Âu (EU), có tiếp tục là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế ngày càng biến động hay không, nơi mà những điều tinh tế của trật tự quốc tế sau Thế chiến II không còn áp dụng nữa.
"Không còn có thể phủ nhận nữa. Thông điệp rất rõ ràng: Đã đến lúc chúng ta phải chịu trách nhiệm, để bảo vệ an ninh của chính mình", Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp, Benjamin Haddad cho biết. "Bài thử nghiệm đầu tiên sẽ là từ chối đầu hàng ở Ukraine", ông nói.
Một số quan chức ở châu Âu, tụ họp tại miền Nam nước Đức để tham dự Hội nghị An ninh Munich, đã lường trước được những lời mà Phó Tổng thống Mỹ JD Vance sẽ nói tại đây.
Thế khó của châu Âu
Vấn đề đặt ra là liệu lục địa này có thể vượt qua được những gì mà các nhà lãnh đạo châu Âu hiện gọi là thách thức an ninh lớn nhất trong nhiều thế hệ hay không: nỗ lực tự bảo đảm an ninh của khối.
Theo các chuyên gia quân sự, để làm được như vậy, châu Âu cần phải tăng ngay chi tiêu quân sự, khôi phục sự gắn kết chính trị và sẵn sàng chấp nhận rằng mối liên kết xuyên Đại Tây Dương định hình sự đồng thuận của châu Âu kể từ năm 1945 có thể bị phá vỡ không thể cứu vãn.
"Câu hỏi quan trọng đối với mọi người là: Chúng ta có thể tin tưởng vào nước Mỹ nữa không?", Nico Lange, cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Đức và là thành viên cấp cao của Hội nghị An ninh Munich, đặt câu hỏi. "Tình hình bây giờ rất nghiêm trọng. Sau 10 năm nghe những hồi chuông cảnh tỉnh, hồi chuông tiếp theo dành cho châu Âu có thể là tiếng còi báo động không kích", ông nhấn mạnh.
Đặc biệt, bài thử nghiệm lần này diễn ra vào thời điểm căng thẳng. Cường quốc lớn nhất châu Âu - Đức - đang trong chế độ chuẩn bị cho tổng tuyển cử và sẽ không có chính phủ ổn định trong nhiều tháng.
Một chính phủ thiểu số mong manh đang điều hành nước Pháp. Các quốc gia như Hungary và Slovakia đã tìm cách xoa dịu Moscow ngay cả trước khi ông Donald Trump đắc cử. Tổng thống Macron đã tập hợp các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu - bao gồm cả Thủ tướng Anh Keir Starmer - cho một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris trong ngày 17/2.
"Mọi người đều hiểu rằng hiện tại là giờ của châu Âu. Câu hỏi duy nhất là liệu cú sốc có đủ để bệnh nhân tỉnh lại hay không... Tôi lo rằng cú sốc có thể giết chết bệnh nhân", Gabrielius Landsbergis, cựu ngoại trưởng Litva cho biết.
Nga từ lâu vẫn xem châu Âu - nơi có nền kinh tế (tính cả Vương quốc Anh) lớn gấp 12 lần và dân số gần gấp 4 lần Nga - không phải là một thế lực địa chính trị mạnh mẽ.
Trong bài phát biểu đầu tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, ông Trump sẽ "lập lại trật tự" ở châu Âu và các quốc gia châu Âu "sẽ nhanh chóng khuất phục" trước nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống Trump đã nhanh chóng đăng lại tuyên bố của người đồng cấp Putin trên mạng xã hội.
Phó Tổng thống JD Vance mới đây đã làm nóng bầu không khí tại Hội nghị An ninh Munich hồi cuối tuần qua ở châu Âu. Ông nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, nền dân chủ của họ còn nhiều thiếu sót và mối đe dọa lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt ngày nay không phải đến từ Nga hay Trung Quốc, Triều Tiên hay Iran, mà là kẻ thù "ở bên trong".
Ông Vance đã vẽ nên bức tranh sống động về một châu lục với quyền tự do ngôn luận và nền dân chủ đang bị đe dọa nhưng lại tránh xa các chủ đề chính của hội nghị về Ukraine và chi tiêu quốc phòng.
Những phát biểu của ông Vance, khiến nhiều quan chức châu Âu rời khỏi hội nghị.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp hồi tháng 12/2024 (Ảnh: WSJ).
"Cơn ác mộng" tiếp tục diễn ra trong ngày 15/2, khi đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, cựu tướng Keith Kellogg, chia sẻ bài phát biểu với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu trong một bữa tiệc trưa. Ông thẳng thừng nói rằng châu Âu sẽ không được phép tham gia các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine.
Tuy nhiên, Washington vẫn muốn các lực lượng châu Âu sẽ đứng ra giám sát một lệnh ngừng bắn cuối cùng và muốn châu Âu trả tiền cho việc tái thiết Ukraine.
"Di sản của các thỏa thuận Minsk 2 vào năm 2015, được Đức và Pháp đàm phán, chính là nguyên nhân khiến Mỹ loại trừ châu Âu", ông Kellogg cho biết. "Tôi đang nói với các bạn một cách khá trung thực. Khi các bạn nhìn vào Minsk 2, có rất nhiều người tại bàn đàm phán thực sự không có khả năng thực hiện một loại tiến trình hòa bình, và nó đã thất bại thảm hại. Vì thế chúng tôi sẽ không đi theo con đường đó".
Vai trò ngày càng suy yếu của châu Âu?
Trong khoảnh khắc làm nổi bật vai trò suy yếu của châu Âu, Ngoại trưởng Thụy Điển, Maria Malmer Stenergard, đã kêu gọi ông Kellogg xem xét lại: "Chúng tôi thực sự cần phải có mặt tại bàn đàm phán nếu chúng tôi được cho là phải có mặt trên thực địa - vì vậy, xin hãy để chúng tôi tham gia". Nhưng ông Kellogg gạt phăng đề nghị này.
Đối với nhiều quan chức châu Âu tại Munich, sự thẳng thắn trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Vance trái ngược với giọng điệu nhẹ nhàng của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người đã phát biểu ngay sau đó.
Trong đó, ông Vương Nghị lặp lại những tuyên bố về sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, những khái niệm được châu Âu rất yêu thích vào thời điểm Mỹ trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) và đe dọa sáp nhập Canada và Greenland.
Trong khi chính sách đối ngoại vẫn còn sơ khai và chưa rõ ràng đối với nhiều đồng minh, thì Tổng thống Trump vẫn quyết tâm nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Kiev phải nhượng bộ lớn và Nga sẽ giành được lợi thế chiến lược.
Theo các nguồn tin, một phần nguyên nhân khiến ông gấp rút như vậy là mong muốn làm suy yếu mối quan hệ ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc. "Nga không có lợi khi trở thành em út trong liên minh với Trung Quốc", ông Vance nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Wall Street Journal.
Tuy nhiên, các quan chức châu Âu bác bỏ quan điểm này vì cho là "không tưởng và sai lầm". Theo một số nhà phân tích, có rủi ro là châu Âu, và thậm chí cả Ukraine, có thể đáp lại Mỹ bằng cách xích lại gần hơn với Trung Quốc, dỡ bỏ các hạn chế kinh tế mà họ từng áp đặt dưới danh nghĩa hợp tác xuyên Đại Tây Dương.
Các ngoại trưởng Ukraine và Trung Quốc đã gặp nhau tại Munich hôm 15/2, nơi ông Vương Nghị nói: "Trung Quốc coi Ukraine là bạn và đối tác, đồng thời luôn tiếp cận và thúc đẩy quan hệ hai bên từ góc độ lâu dài".

Các thành viên của một lữ đoàn Ukraine gần thị trấn tiền tuyến Pokrovsk hôm 14/2 (Ảnh: WSJ).
Nhiều biện pháp phòng ngừa chiến lược như vậy có thể được triển khai vì nhiều nhà lãnh đạo châu Âu tin rằng mục tiêu của Nga vượt ra ngoài Ukraine. Họ lo ngại rằng Nga, một khi đã tạm dừng chiến tranh để củng cố và tái vũ trang, đặc biệt nếu các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận, chắc chắn sẽ tấn công châu Âu, bao gồm cả các thành viên của EU và NATO.
"Nếu chúng ta không tin rằng Nga sẽ dừng lại, thì điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc thảo luận mà chúng ta cần có. Và tôi không nghĩ họ sẽ dừng lại", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết.
Mặc dù Moscow mạnh mẽ bác bỏ mối lo ngại này, các nhà hoạch định quân sự Đức vẫn ước tính rằng Nga, vốn đã sản xuất đủ đạn dược để bắt đầu dự trữ cho một cuộc chiến trong tương lai, sẽ sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn chống lại châu Âu vào năm 2029.
Thành công của cuộc chiến ở Ukraine là làm cạn kiệt nhân lực và thiết bị quân sự của Nga và mang lại cho châu Âu thêm không gian và thời gian để chuẩn bị ứng phó. Tuy nhiên, nếu không tăng mạnh chi tiêu, tuyển dụng và sản xuất công nghiệp, châu Âu sẽ khó có thể đáp ứng được ngay cả thời hạn 2029, nhiều quan chức cảnh báo.
Quân đội Ukraine hiện nay lớn hơn và có năng lực hơn quân đội Đức, Pháp, Italy và Anh cộng lại. Cùng với Nga, đây cũng là quân đội duy nhất trên thế giới có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại quy mô lớn chống lại đối thủ gần ngang hàng.
Giới lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng, nếu Ukraine bị đánh bại, hoặc bị vô hiệu hóa như một phần của thỏa thuận do Mỹ đàm phán với Nga, phần còn lại của châu Âu sẽ cực kỳ dễ bị tổn thương, đặc biệt là nếu các cam kết của Mỹ đối với an ninh của châu Âu bị hủy bỏ.