1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu "bơm" tiền nỗ lực xoa dịu khủng hoảng năng lượng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nền kinh tế lớn trên khắp châu Âu đã chi hàng trăm tỷ USD trong nỗ lực cứu vãn các doanh nghiệp đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng vì căng thẳng Nga - phương Tây leo thang.

Châu Âu bơm tiền nỗ lực xoa dịu khủng hoảng năng lượng - 1

Căng thẳng Nga - phương Tây đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, Đức ngày 21/9 thông báo quyết định quốc hữu hóa công ty nhập khẩu khí đốt Uniper, trong khi Anh đặt giá trần để bán buôn điện và khí đốt cho các doanh nghiệp. Đây là những diễn biến mới nhất trong nỗ lực của châu Âu nhằm xoa dịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ khi chiến sự Nga - Ukraine không ngừng leo thang.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố động viên một phần để đưa thêm quân tới Ukraine, giá dầu và khí đốt tiếp tục tăng, đặt thêm gánh nặng lên châu Âu.

Theo nghiên cứu của tổ chức Bruegel, chính phủ các nước châu Âu đã dành gần 500 tỷ EUR (496 tỷ USD) trong năm qua để bảo vệ người dân và các công ty trước giá khí đốt và giá điện tăng cao.

Căng thẳng giữa phương Tây và Nga đã khiến nguồn cung năng lượng của Moscow sang châu Âu giảm mạnh, đẩy giá lên cao. Diễn biến này kéo theo giá điện tăng vọt và đẩy lạm phát lên mức phi mã tại nhiều nước.

Nhiều doanh nghiệp năng lượng châu Âu đã đối diện nguy cơ khủng hoảng vì giá năng lượng tăng cao. Uniper được xem là một trong những "nạn nhân" lớn nhất thuộc nhóm doanh nghiệp. Đức đã quyết định quốc hữu hóa công ty này để giải cứu Uniper thoát nguy cơ sụp đổ, sau khi các động thái "bơm" tiền trước đó được xem là không đủ để xoa dịu tình hình.

Trong khi đó, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của Anh dự kiến sẽ tiêu tốn hàng chục tỷ bảng. Mặt khác, Pháp cũng đã quyết sẽ chi 9,7 tỷ EUR để giành quyền kiểm soát công ty điện EDF - bên đang gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng năng lượng.

Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cho biết: "Chúng tôi đã can thiệp để ngăn chặn các doanh nghiệp sụp đổ, bảo vệ công ăn việc làm và hạn chế lạm phát". Một thành viên nội các khác cho hay, chi phí của gói hỗ trợ năng lượng cho doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc giá cả leo thang cao như thế nào trong thời gian tới.

Theo Reuters, hơn 20 công ty điện của Anh đã sụp đổ, nhiều công ty rơi vào tình trạng khó khăn khi cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chuyên gia năng lượng Viktor Katona nhận định, lệnh động viên một phần của Nga đã tác động tới giá dầu vì nó cho thấy rủi ro của việc cuộc chiến sẽ kéo dài ở Ukraine.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, ngoài quốc hữu hóa Uniper, Berlin sẽ có những động thái khác để ngăn tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông năm nay.

"Đức sẽ làm mọi thứ có thể để giúp các công ty ổn định trên thị trường", ông Habeck nói.

Đức là bên phụ thuộc rất lớn vào khí đốt Nga, chủ yếu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Tuy nhiên, Nga đã khóa van đường ống này, viện dẫn lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến nó không thể vận hành. Châu Âu cáo buộc Nga "vũ khí hóa" khí đốt, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ.

Tuần trước, Đức đã tiếp quản Gazprom Germania - chi nhánh tại Đức của hãng năng lượng Nga Gazprom và một chi nhánh của Rosneft - hãng dầu Nga. Đây là động thái quốc hữu hóa trên thực tế. Cùng với thương vụ Uniper, Đức đã chi 40 tỷ EUR trong một nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng. 

Tại Mỹ, các thượng nghị sĩ từ lưỡng đảng đã đề xuất Tổng thống Joe Biden tung biện pháp trừng phạt thứ cấp để thực thi kế hoạch áp trần giá dầu Nga. Moscow cảnh báo, họ sẽ cắt nguồn cung dầu và khí đốt cho các quốc gia áp trần giá năng lượng Nga.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine