Châu Âu bí mật lên kế hoạch đưa lực lượng hòa bình đến Ukraine?
(Dân trí) - Một số nước châu Âu đang âm thầm xây dựng kế hoạch gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine do lo ngại về việc thay đổi các ưu tiên của Mỹ đối với an ninh trên lục địa này, nguồn thạo tin cho hay.

(Ảnh minh họa: Getty).
Kyiv Independent ngày 15/2 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Pháp và Anh đang dẫn đầu sáng kiến đưa lực lượng đến Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevklur tiết lộ, các đồng minh châu Âu đang "ở giai đoạn đầu" phát triển kế hoạch triển khai quân gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
Theo Bộ trưởng Pevklur, nếu quân đội Nga và Ukraine giảm lực lượng xuống còn vài nghìn quân mỗi bên, thì việc châu Âu hiện diện quân sự ở đó sẽ không thành vấn đề, nhưng việc thực hiện kế hoạch sẽ khó khăn nếu xung đột ở giai đoạn căng thẳng.
Trang tin Avia Pro cho biết, việc xây dựng kế hoạch này đã bắt đầu từ một năm trước nhưng các bước thực hiện cụ thể vẫn chưa được xác định. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc xung đột kết thúc như thế nào.
Quyết định cuối cùng về hình thức và quy mô của sứ mệnh quân sự sẽ dựa trên tình hình chính trị và quân sự tại thời điểm ký kết một thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Nga và Ukraine.
Anh và Pháp đang xem xét khả năng huy động không chỉ các lực lượng vũ trang chính quy mà còn cả các đơn vị chuyên môn như kỹ sư và đặc công, những người sẽ tham gia khôi phục cơ sở hạ tầng.
Khả năng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình từ các nước châu Âu khác, bao gồm Italy và Tây Ban Nha, cũng đang được thảo luận.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 18/1 cho biết Đức có thể xem xét đóng góp lực lượng cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Ukraine.
Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 16/1 cũng xác nhận đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, ý tưởng về sự hiện diện của quân đội châu Âu trên lãnh thổ Ukraine đang vấp phải ý kiến trái chiều và đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của sự can thiệp đó.
Các chuyên gia an ninh quốc tế cho rằng những hành động như vậy sẽ cần có sự chấp thuận của Liên hợp quốc hoặc ít nhất là sự phối hợp với các bên quốc tế quan trọng.
Nhà khoa học chính trị Thomas Ridley lưu ý: "Nếu các nước châu Âu gửi quân tới, đó có thể là yếu tố quan trọng tạo nên sự ổn định, nhưng cũng có thể dẫn đến leo thang. Nga có thể coi đó là hành động khiêu khích và can thiệp".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 23/1 cảnh báo việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tới Ukraine có thể dẫn đến "leo thang không kiểm soát".
Giới chức Nga trước đó cũng nhiều lần cảnh báo sự hiện diện của quân đội NATO gần biên giới Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và lực lượng này có thể trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của Moscow.