Chảo lửa Idlib nóng trở lại: Bùng nổ nguy cơ đối đầu quân sự
Chảo lửa ở Idlib, Syria nóng trở lại khi thời hạn chót cho phiến quân rút ra khỏi khu phi quân sự kết thúc hôm15/10 mà không có kết quả.
Một số nhóm phiến quân vẫn đang úp mở chuyện rút quân, trong khi Nga và chính phủ Syria thì chưa thể xác nhận việc thành lập khu vực phi quân sự đã hoàn tất theo đúng kế hoạch. Trước diễn biến đó, chính phủ Syria tuyên bố sẽ không thể giữ “im lặng” hơn nữa.
Chỉ vài giờ trước khi thời hạn chót kết thúc, nhóm phiến quân lớn nhất - kiểm soát 60% diện tích Idlib, là Hay'et Tahrir al-Sham, đã phát đi tín hiệu về khả năng sẽ rút quân ra khỏi khu phi quân sự, theo như thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được hồi cuối tháng 9/2018. Tuy nhiên, khi thời hạn chót kết thúc, theo như ghi nhận của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, thì vẫn chưa có bất kỳ tay súng nào ra khỏi khu vực này.
Bên cạnh việc “úp mở” việc rút quân, nhóm Hay'et Tahrir al-Sham vẫn tuyên bố sẽ không từ bỏ vũ khí và tiếp tục chiến đấu chống lại Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhóm thánh chiến có tiền thân là Mặt trận Al-Nusra và gốc rễ sâu xa từ mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qeada này còn kêu gọi các tay súng trong và ngoài nước bảo vệ Idlib, nếu một cuộc tấn công của chính phủ Syria xảy ra.
Nhận định về vấn đề này, ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết, đây có thể là cách mà nhóm phiến quân kéo dài thời gian, để chờ phản ứng của các bên, đặc biệt là phía Thổ Nhĩ Kỳ - những người đã đàm phán trực tiếp với họ. Tuy nhiên, chính phủ Syria hôm qua (15/10) mới là người lên tiếng trước tiên.
Ngoại trưởng Syria Walid Al-Moualem cho biết: “Chúng ta không thể giữ sự im lặng trước tình hình hiện tại ở Idlib nếu Mặt trận Al-Nusra từ chối tuân thủ thỏa thuận. Chúng tôi sẽ đợi, nhưng đồng thời lực lượng vũ trang của Chính phủ đã sẵn sàng xung quanh Idlib”.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Syria cho biết, nước này đang đợi đồng minh Nga đánh giá tình hình thực tế việc tuân thủ thỏa thuận của các nhóm phiến quân để đưa ra quyết định của mình.
Trên thực tế, ngoài nhóm Hay'et Tahrir al-Sham, vẫn còn có những nhóm thánh chiến cực đoan khác tuyên bố không tuân thủ thỏa thuận của Nga - Thổ về việc thành lập vùng phi quân sự như nhóm Hurras al-Deen và Ansar al-Islam. Những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực thuyết phục các nhóm này rút quân để ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn của chính phủ Syria.
Nếu sự thuyết phục này không đạt kết quả, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng đối lập Syria được Ankara hậu thuẫn - là Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF), sẽ buộc tấn công các nhóm phiến quân này để bảo vệ thảo thuận với Nga. Còn không, chính phủ Syria và đồng minh Nga sẽ buộc phải tự tay sử dụng giải pháp quân sự để giải phóng Idlib - điều mà có thể sẽ gây ra một thảm kịch nhân đạo quy mô lớn. Tuy nhiên, dư luận vẫn hi vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động để duy trì thỏa thuận với Nga không bị đổ vỡ
Theo Đình Nam
VOV1