1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dân thường tại "chảo lửa" Idlib lo trở thành lá chắn sống cho phiến quân

(Dân trí) - Trong bối cảnh Nga và Syria được cho là chuẩn bị tấn công để giải phóng Idlib, phiến quân ở đây tìm cách chặn dân thường di tản khỏi khu vực nhằm biến họ thành lá chắn sống.

Idlib có thể coi là điểm nóng nhất tại Syria hiện nay. (Ảnh minh họa: AFP)
Idlib có thể coi là điểm nóng nhất tại Syria hiện nay. (Ảnh minh họa: AFP)

“Chúng tôi bị buộc phải di tản khỏi quê nhà vì những kẻ khủng bố Jabhat Al Nusra và IS”, ông Admad, một người tị nạn Syria nói với ABC News. Ông sống ở trại tị nạn Bar Elias nằm ở thung lũng Bekka, Lebanon trong 5 năm qua. Toàn bộ những người dân tị nạn ở trại này đều đến từ tỉnh Idlib, nơi được coi là thành trì cuối cùng của lực lượng đối lập tại Syria.

Tuy nhiên, Admad đang rất lo sợ vì gia đình ông chưa thể ra khỏi Idlib. “Hiện thời không có những đợt ném bom vì các bên đang thương lượng với nhau. Nhưng hiển nhiên nếu lực lượng nổi dậy không chịu đầu hàng, lực lượng quân đội Syria (SAA) sẽ chớp lấy thời cơ và tấn công giành lại Idlib. Không còn lựa chọn nào khác và chúng tôi ủng hộ SAA vì điều đó”, Admad nói.

Liên Hợp Quốc và Mỹ cùng một số quốc gia đã kêu gọi chính phủ Syria và Nga cũng như Iran đàm phán một giải pháp hòa bình cho Idlib, tuy nhiên Admad cùng nhiều người tị nạn khác cho rằng vấn đề chính hiện tại nằm ở lực lượng đối lập.

“Lực lượng SAA đã mở nhiều hơn một hành lang để cho người dân Idlib có thể di tản ra khỏi khu vực giao tranh, nhưng lực lượng nổi dậy không cho phép mọi người tới khu vực an toàn hơn vì dường như họ muốn sử dụng những người này làm lá chắn sống”, Admad lo ngại.

Anh Ahmad, người tị nạn Syria ở Lebanon (Ảnh: ABC News)
Anh Ahmad, người tị nạn Syria ở Lebanon (Ảnh: ABC News)

Tại trại Bar Elias, một người tị nạn đến từ Idlib khác, tên là Ahmad cho biết anh đang lo sợ vì chị gái và các cháu vẫn đang mắc kẹt ở Idlib.

“Chị gái tôi không thể thoát ra ngoài vì lực lượng nổi dậy đang chặn dân thường rời đi để lợi dụng họ. Nếu họ cho người dân rời đi, thì chắc chắn chị tôi và những người khác sẽ đi. Họ có thể tới đây, hoặc một nơi nào khác, Damascus chẳng hạn, nhưng lực lượng đối lập không cho họ rời đi”, Ahmad chia sẻ.

Ngay cả khi họ có thể rời Idlib, người tị nạn từ Idlib cũng không thể chạy sang Lebanon hay Thổ Nhĩ Kỳ vì 2 nước này đã đóng cửa biên giới sau khi tiếp nhận khoảng 4,5 triệu người Syria tị nạn. Các tổ chức cứu trợ ước tính, nếu Nga và Syria bắt đầu trận chiến ở Idlib, sẽ có khoảng 800.000 người phải di tản.

Đại sứ Nga tại Syria Alexander Lavrentiev cho biết Moscow sẽ hỗ trợ Syria hết sức nhằm “loại bỏ” lực lượng nổi dậy. Khi được hỏi về từ “loại bỏ”, ông Lavrentiev nói rằng: “Nếu họ chịu đầu hàng, đó sẽ là quyết định tốt nhất”.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc quét sạch các phần tử cực đoan ra khỏi tỉnh Idlib là ưu tiên hàng đầu trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, giới quan sát quan ngại, viễn cảnh tất cả các lực lượng nổi dậy đầu hàng là khá xa vời.

Một số nhóm vũ trang có thể sẽ cân nhắc về điều này, nhưng những nhóm cực đoan, bao gồm cả những tay súng khủng bố có liên quan tới Al Nusra Front dường như sẽ kiên quyết không đầu hàng dù phải bỏ mạng tại "chảo lửa" Idlib.

Đức Hoàng

Theo ABC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm