1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trận tử chiến cuối cùng tại chảo lửa Idlib, Syria: Ai là bên quyết định?

Truyền thông quốc tế suy đoán về một cuộc chiến khốc liệt sẽ xảy ra tại Idlib trong bối cảnh quân đội Syria chuẩn bị chiến dịch tấn công mới.

Số phận của tỉnh Idlib, tây bắc Syria- thành trì cuối cùng của của phe đối lập nhiều khả năng sẽ được quyết định trong vài ngày tới. Truyền thông quốc tế đang suy đoán về một cuộc chiến khốc liệt sẽ xảy ra tại Idlib trong bối cảnh quân đội Syria sắp phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn giành quyền kiểm soát khu vực này.


Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp báo chung tại Ankara, ngày 4/4/2018.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp báo chung tại Ankara, ngày 4/4/2018.

Hiện nay, Idlib cũng là tâm điểm của các hoạt động ngoại giao. Dự kiến vào ngày 7/9, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran sẽ nhóm họp tại Tehran (Iran) và đưa ra quyết định về tương lai của Idlib cũng như giải pháp cho cuộc xung đột Syria đã kéo dài 7 năm.

Idlib - điểm nóng xung đột phức tạp

Idlib là một trong bốn khu vực giảm leo thang căng thẳng ở Syria được thành lập theo thỏa thuận do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí trong cuộc đàm phán Astana, Kazakhstan, vào năm 2017. Ý tưởng của việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại thời điểm đó, là nhằm “đóng băng” xung đột, giảm thương vong đối với dân thường và mở đường cho một giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân sâu xa phía sau. Vì thiếu lực lượng chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau tại Syria, Nga đã dồn tâm trí cho ý tưởng thành lập khu vực giảm căng thẳng, do đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đề xuất ban đầu vào năm 2014.

Hơn nữa, sau khi đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, Nga bắt đầu nhận ra rằng trong khi nước này đang bận rộn chống lại phe đối lập Syria dọc theo vành đai phía tây của lãnh thổ Syria, nằm giữa Aleppo và Damascus thì Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ giàu dầu mỏ và khí đốt từ tay IS ở phía đông Syria. Vì lẽ đó, Nga đã quyết định tạm dừng giao tranh với phe đối lập Syria và bước vào cuộc cạnh tranh với liên minh do Mỹ dẫn đầu, lấy lại nhiều vùng lãnh thổ từng do IS chiếm đóng. Sông Euphrates có vai trò như một đường biên giới tự nhiên phân chia các khu vực nằm dưới sự ảnh hưởng của Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến chống IS gần đến hồi kết, Nga liền quay trở lại chiến lược chống lại các nhóm đối lập Syria. Nga cùng với chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát khu vực giảm leo thang căng thẳng tại Đông Ghouta, gần thủ đô Damascus. Hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện chiến dịch quân sự tại tỉnh Homs ở phía bắc, tiếp đến là Daraa và Quneitra ở phía tây nam, gần biên giới với Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Theo thỏa thuận sơ tán với chính phủ Syria, hàng trăm nghìn tay súng đối lập đã phải di chuyển đến tỉnh Idlib, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trở ngại đối với hoạt động giải phóng Idlib

Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố rằng, Idlib sẽ là mục tiêu tiếp theo trong công cuộc giải phóng Syria. Quân đội Syria đã bắt đầu tập hợp binh sỹ, rải truyền đơn hối thúc người dân tuân theo các quy định của nhà nước và yêu cầu các nhóm vũ trang đối lập đầu hàng. Dẫu vậy, việc xử lý các vấn đề chính trị, quân sự và nhân đạo tại Idlib phức tạp hơn so với 3 khu vực giảm căng thẳng còn lại.

Với diện tích khoảng 6.000 km2, Idlib có khoảng 3 triệu người dân đang sinh sống. Liên Hợp Quốc từng cảnh báo rằng, chiến dịch tấn công tại Idlib có thể khiến 2,5 triệu người dân trong số này chạy về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Idlib cũng là thành trì của hơn 60.000 tay súng đối lập và sự hiện diện của nhóm phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Với hơn 12.000 phần tử, HTS đang kiểm soát một khu vực rộng lớn tại Idlib, hơn nữa nhóm này còn cam kết sẽ chiến đấu chống lại quân đội chính phủ tới cùng.

Nga, Iran và chính phủ Syria có lý do chính đáng để phát động cuộc tấn công Idlib bởi HTS đã bị liệt vào nhóm khủng bố theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra giao tranh, quân đội Syria cùng các lực lượng ủng hộ chắc chắn sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các nhóm phiến quân và khủng bố tại Idlib bởi đây là thành trì cuối cùng của chúng.

Một trở ngại khác là sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Idlib sẽ là dấu chấm hết cho tiến trình hòa đàm về Syria tại Astana. Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội tại 12 trạm quan sát tại tỉnh Idlib để theo dõi lệnh ngừng bắn, do đó nếu không có một thỏa thuận trước, chiến dịch giải phóng Idlib của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng giữa các bên.

Ba kịch bản đối với Idlib

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều thông báo rằng, lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên tại Tehran để thảo luận về tương lai của Idlib. Có 3 kịch bản sẽ được đề cập đến.

Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ nhất trí duy trì tình trạng giảm căng thẳng tại Idlib, miễn là Thổ Nhĩ Kỳ xử lý được nhóm phiến quân HTS. Trong nhiều tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực thuyết phục HTS giải thể và sáp nhập vào lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) do nước này hậu thuẫn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề xuất tạo ra một lối thoát an toàn để HTS di chuyển đến địa điểm khác. Tuy nhiên, những nỗ lực Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa mang đến kết quả như mong đợi. Kết quả là, tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt HTS vào danh sách khủng bố và để ngỏ khả năng tiến hành hoạt động quân sự chống lại nhóm này.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đối phó thành công với HTS thì điều này sẽ giúp tránh xảy ra một cuộc giao tranh lớn tại Idlib cho đến khi nền hòa bình lâu dài được thiết lập tại Syria. Ngược lại, trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ thất bại, Nga sẽ dẫn đầu hoạt động quân sự quy mô vừa phải để tiêu diệt HTS và các nhóm cực đoan khác. Vì mật độ dân cư tại Idlib khá cao nên Nga và chính phủ Syria chắc chắn sẽ tránh tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn.

Trong tình huống này, Nga sẽ tìm cách đảm bảo an toàn cho căn cứ không quân Hmeimim của nước này tại tỉnh Latakia lân cận bằng cách đẩy các nhóm đối lập tại Idlib chạy xa hơn về phía bắc. Còn chính phủ Syria sẽ tập trung chủ yếu vào việc giành quyền kiểm soát tuyến đường cao tốc M5 – tuyến đường giao thương chính của Syria, chạy qua nhiều khu vực của Idlib.

Kịch bản thứ 3 và cũng là kịch bản đáng sợ nhất là một cuộc tấn công toàn diện tại Idlib. Kịch bản này nhiều khả năng khó xảy ra ở thời điểm hiện tại bởi các bên sẽ phải trả giá đắt, cả về chính trị lẫn quân sự. Một cuộc tấn công toàn diện tại Idlib sẽ gây ra thảm họa nhân đạo, dẫn tới cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng và sự hủy diệt quy mô lớn. Quan hệ đối tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cắt đứt, khiến tiến trình đàm phán về Syria tại Astana bị sụp đổ.

Kịch bản này cũng sẽ gây ra nhiều áp lực đối với quan hệ giữa Nga và Liên minh Châu Âu vốn đã “cơm chẳng lành canh không ngọt” và dẫn tới làn sóng người tị nạn mới tràn vào Châu Âu. Trước đó Mỹ đã cảnh báo về một cuộc tấn công quy mô lớn tại Idlib, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ can thiệp trong trường hợp vũ khí hóa học được sử dụng. Cuối cùng, kịch bản này nếu diễn ra sẽ đi ngược lại với chiến lược mới của Nga, nhằm đưa người tị nạn Syria trở về nhà và bắt đầu tiến trình tái thiết Syria với sự hỗ trợ từ Châu Âu hoặc các nước vùng Vịnh.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Tehran ngày 7/9, các bên sẽ quyết định, kịch bản nào trong số 3 kịch bản trên sẽ khả thi và liệu tương lai của tỉnh Idlib sẽ được quyết định bằng giao tranh hay bằng giải pháp ngoại giao.

Theo Hồng Anh

VOV