Chân dung vị tướng Iran thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ
(Dân trí) - Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qasem Soleimani, người vừa thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ hôm 2/1, là một trong những nhân vật cấp cao nhất tại Iran và được xem là “cái gai” trong mắt Mỹ và đồng minh.
Tướng Qasem Soleimani là nhân vật nổi tiếng không chỉ tại Iran mà còn trong toàn khu vực. Ông nắm vai trò lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tên tuổi của ông cũng được biết đến rộng rãi vì vai trò trong các cuộc chiến tại Syria và Iraq.
Tướng Soleimani đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, nơi Mỹ và các đối thủ của Iran trong khu vực như Ả rập Xê út hay Israel cũng tìm cách thiết lập ảnh hưởng.
Lực lượng Quds do tướng Soleimani lãnh đạo có nhiệm vụ thực hiện các chiến dịch bên ngoài biên giới Iran, tăng cường hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi ông Assad sắp bị đánh bại trong cuộc nội chiến từ năm 2011, đồng thời giúp đỡ các nhóm vũ trang tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và một số nước trong khu vực.
Con đường binh nghiệp
Ông Soleimani trở thành người đứng đầu lực lượng Quds vào năm 1998. Ông vẫn là nhân vật kín tiếng trong suốt nhiều năm khi củng cố mối quan hệ của Iran với nhóm Hezbollah ở Lebanon, Tổng thống Assad tại Syria và các nhóm Hồi giáo dòng Shia ở Iraq.
Trong những năm gần đây, ông Soleimani bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi xuất hiện bên cạnh lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và các lãnh đạo Shia khác.
Dưới sự lãnh đạo của tướng Soleimani, lực lượng Quds đã mở rộng đáng kể năng lực, trở thành lực lượng có tầm ảnh hưởng lớn về tình báo, tài chính và chính trị bên ngoài lãnh thổ Iran.
Ông Soleimani sinh năm 1957 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Kerman đông nam Iran. Trong giai đoạn cách mạng Iran vào năm 1979, Soleimani, khi đó vẫn còn nhỏ tuổi, đã bắt đầu chứng minh năng lực của mình trong lực lượng quân đội Iran.
Tướng Soleimani từng sống sót sau nhiều vụ ám sát được cho là do phương Tây, Israel và các nước Ả rập tiến hành trong hơn 20 năm qua.
Theo tạp chí Foreign Policy, Soleimani được cho là chỉ mất 6 tuần huấn luyện chiến thuật trước khi tham gia cuộc chiến đầu tiên tại tỉnh West Azerbaijan của Iran. Ông bắt đầu nổi lên như một anh hùng dân tộc trong cuộc chiến Iran - Iraq vì những chiến dịch do ông dẫn đầu dọc biên giới của Iraq.
Sau khi tái lập chính quyền ở Iraq vào năm 2005, tầm ảnh hưởng của tướng Soleimani mở rộng tới cả hệ thống chính trị Iraq, khi đó dưới sự lãnh đạo của các cựu Thủ tướng Ibrahim al-Jaafari và Nouri al-Maliki.
Sau khi cuộc nội chiến tại Syria nổ ra vào năm 2011, tướng Soleimani đã chỉ đạo một số tay súng trong lực lượng của ông tới Syia để bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad.
Theo Mohamad Marandi, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Tehran, vai trò của tướng Soleimani trong việc đánh bại IS đã đưa ông trở thành “anh hùng dân tộc” trong mắt của người dân Iran và các nước Trung Đông khác.
“Nếu không nhờ những người như ông ấy, khu vực này sẽ chứng kiến những lá cờ màu đen (của IS) ở khắp mọi nơi”, chuyên gia Marandi nhận định.
Vai trò quan trọng trong khu vực
Đối với cả những người ủng hộ và những người không ưa ông, tướng Soleimani là “kiến trúc sư” đứng sau công cuộc mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Vai trò của ông không chỉ nằm ở việc dẫn đầu cuộc chiến chống các lực lượng thánh chiến, mà còn nâng cao vị thế ngoại giao của Iran tại Iraq, Syria và các nước khác trong khu vực.
“Đối với cộng đồng (Hồi giáo) Shia ở Trung Đông, Soleimani là sự kết hợp của James Bond, Erwin Rommel và Lady Gaga trong một con người”, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Kenneth Pollack nhận định hồi năm 2017, ngụ ý tới vai trò của Soleimani cả về khả năng chiến đấu, tầm ảnh hưởng chính trị và sự quan tâm của truyền thông.
“Còn đối với phương Tây, Soleimani là người thúc đẩy Cách mạng Hồi giáo Iran, hỗ trợ những kẻ khủng bố, lật đổ các chính phủ ủng hộ phương Tây và phát động các cuộc chiến của Iran ở nước ngoài”, ông Pollack cho biết.
Trong bối cảnh Iran quay cuồng trong các cuộc biểu tình cũng như các vấn đề kinh tế trong nước, cùng với đó là sức ép ngày càng tăng từ Mỹ, một số người dân Iran đã kêu gọi tướng Soleimani bước chân vào chính trường.
Mặc dù từng lên tiếng bác bỏ tin đồn về khả năng lên làm tổng thống Iran, song tướng Soleimani vẫn đóng vai trò quyết định trong hệ thống chính trị tại Iraq - nước láng giềng của Iran. Ngoài các cuộc đàm phán để thành lập một chính phủ thân Iran tại Iraq, ông Soleimani cũng là tiếng nói then chốt trong việc gây sức ép buộc lực lượng người Kurd tại Iraq từ bỏ kế hoạch tuyên bố giành độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9 năm ngoái.
Tướng Soleimani được cho là một người “thầm lặng”.
“Ông ấy có thể ngồi phía bên kia của căn phòng, một cách rất thầm lặng. Ông ấy không nói, không đưa ra bình luận, chỉ ngồi và lắng nghe. Dĩ nhiên là mọi người vẫn chỉ chú ý đến ông ấy”, một quan chức Iraq nhận xét về tướng Soleimani.
Tướng Soleimani cũng được biết đến như một nhân vật có thể hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Iran, chẳng hạn quy định nghiêm khắc về việc đội khăn trùm đầu của phụ nữ.
Trong cuộc khảo sát do IranPoll và Đại học Maryland công bố năm 2018, Tướng Soleimani nhận được 83% tỷ lệ ủng hộ ở Iran, cao hơn cả Tổng thống Hassan Rouhani hay Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.
Mối đe dọa rình rập
Ông Soleimani từng bị đồn là đã chết trong một vài vụ việc, bao gồm vụ rơi máy bay hồi năm 2006 khiến các quan chức quân đội thiệt mạng tại tây bắc Iran và sau vụ đánh bom hồi năm 2012 tại Damascus, Syria cướp đi sinh mạng của các trợ lý cấp cao của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hồi tháng 11/2015, ông Soleimani cũng bị đồn là đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng khi đang dẫn đầu lực lượng trung thành với Tổng thống Assad chiến đấu ở Aleppo, Syria.
Gần đây nhất vào tháng 10 năm ngoái, Iran thông báo đã đập tan âm mưu của các lực lượng Israel và Ả rập hòng sát hại tướng Soleimani.
Thành Đạt
Theo AFP, Aljazeera