1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh cãi chuyện ông Trump "qua mặt" quốc hội lệnh giết chết tướng Iran

(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump phát lệnh tấn công giết chết tướng Iran Qasem Soleimani khi chưa có sự phê chuẩn của quốc hội đã khiến chính trường Mỹ "dậy sóng."

Tranh cãi chuyện ông Trump qua mặt quốc hội lệnh giết chết tướng Iran - 1

Tướng Iran Qasem Soleimani (giữa). (Ảnh: AFP)

Việc Lầu Năm Góc xác nhận vào tối 2/1 rằng Qasem Soleimani, một chỉ huy quân sự Iran và là một trong những nhân vật quyền lực nhất của chính quyền Iran, bị giết chết trong một cuộc không kích do Tổng thống Donald Trump phát lệnh ở Iraq đã khiến Washington "dậy sóng".

Những nghị sĩ “diều hâu” của đảng Cộng hòa đã thể hiện sự đồng tình khi Mỹ tiêu diệt một trong những nhân vật mà họ cáo buộc là từng tham gia vào các hoạt động ở Trung Đông dẫn tới cái chết của hàng trăm quân nhân Mỹ. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikkey Haley cho biết bà “tự hào” vì Tổng thống Trump đã hành động “mạnh mẽ và cứng rắn”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cáo buộc ông Soleimani đã đứng sau các kế hoạch của Iran trong suốt nhiều thập niên, bao gồm việc gây ra cái chết của hàng trăm người Mỹ. Ông cho rằng cái chết của tướng Iran là sự trả giá thích đáng.

“Tôi đánh giá cao hành động cứng rắn của Tổng thống Trump đối với sự gây hấn của Iran. Gửi chính quyền Iran: Nếu các ông muốn thêm, các ông sẽ nhận được thêm”, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham tuyên bố.

Đồng tình với quan điểm trên, Ben Sasse, thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa, nhận định: “Tổng thống đã đưa ra một mệnh lệnh dũng cảm và đúng đắn, và người Mỹ nên tự hào về những binh sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ”.

“Việc giết chết Qasem Soleimani là sự công bằng đáng hoan nghênh và được chờ đợi từ lâu đối với hàng nghìn người Mỹ bị giết hại hoặc bị thương bởi các lực lượng do Iran kiểm soát...”, thượng nghị sĩ Ted Cruz viết.

Phát lệnh tấn công khi quốc hội chưa phê chuẩn

Theo Hiến pháp Mỹ, thẩm quyền của quốc hội là thông qua bất kỳ hành động quân sự nào của nước này. Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ phần lớn bỏ qua thẩm quyền này kể từ năm 2001 khi họ phê chuẩn Luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự (AUMF), cho phép cựu Tổng thống George W. Bush tấn công bất kỳ lực lượng nào có dính líu tới tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào. Luật này ra đời sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và không có thời hạn.

Với tư cách là một tổng tư lệnh quân đội, tổng thống Mỹ có thể phát động tấn công quân sự ở nước ngoài nếu ông cho rằng đó là cách để bảo vệ Mỹ khỏi những mối đe dọa hiện hữu.

Nhưng một số nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Trump khi phát lệnh không kích và tiêu diệt tướng Iran mà chưa nhận được sự đồng ý của quốc hội.

“Quốc hội Mỹ vẫn chưa ủy quyền và người Mỹ không muốn một cuộc chiến với Iran. Cần phải thực hiện tất cả các bước ngay bây giờ để bảo vệ các lực lượng của chúng ta trước sự leo thang gần như không thể tránh khỏi và những rủi ro gia tăng”, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff cho biết.

Bình luận về cuộc không kích tiêu diệt tướng Iran, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng quốc hội cần được thông báo về vụ việc cũng như khả năng cần thiết để tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Bà Pelosi khẳng định cuộc không kích diễn ra khi “chưa có sự tham vấn của quốc hội”.

“Ưu tiên cao nhất của các nhà lãnh đạo Mỹ là bảo vệ mạng sống và lợi ích của người Mỹ. Nhưng chúng tôi không thể đặt mạng sống của các binh sĩ, các nhà ngoại giao Mỹ và những người khác vào nguy hiểm bằng cách thực hiện các hành động khiêu khích. Cuộc không kích tối nay có nguy cơ kích động leo thang bạo lực nguy hiểm”, bà Pelosi nhận định.

Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ cũng cảnh báo về những hệ quả bất ổn có thể xảy ra sau cuộc không kích tiêu diệt tướng Iran, đồng thời yêu cầu Tổng thống Trump đưa ra lời giải thích về việc sử dụng vũ lực khi chưa có sự thông qua của quốc hội.

“Soleimani là kẻ thù của nước Mỹ. Đó là điều không cần bàn cãi. Vấn đề đặt ra ở đây là việc Mỹ ám sát nhân vật quyền lực thứ hai tại Iran mà chưa có sự phê chuẩn của quốc hội có thể sẽ khơi mào cho một cuộc chiến quy mô lớn trong khu vực”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nhận định.

Theo Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, “chính quyền Trump vẫn nợ quốc hội và người dân Mỹ một lời giải thích đầy đủ về cuộc không kích. Động thái này có thể dẫn tới cuộc đối đầu quân sự lớn nhất trong nhiều thập niên. Mối lo ngại ngay bây giờ của tôi là dành cho những người Mỹ dũng cảm đang phục vụ quân đội theo cách nguy hiểm”.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xung đột leo thang sau hành động tiêu diệt tướng Iran.

“Đây là hành động leo thang căng thẳng mạnh mẽ tại một khu vực vốn rất nguy hiểm. Tổng thống Trump đang đổ thêm dầu vào lửa, và ông ấy nợ người dân Mỹ một lời giải thích về chiến lược cũng như kế hoạch để đảm bảo an toàn cho các binh sĩ cũng như nhân viên sứ quán, người dân cũng như lợi ích của chúng ta, cả ở trong và ngoài nước, cũng như các đối tác của chúng ta trong toàn khu vực”, ông Biden nói.

Theo Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ, cho rằng “hành động bất cẩn” của chính quyền Trump khiến căng thẳng với Iran “leo thang” và sẽ làm gia tăng nguy cơ có thêm nhiều người nữa thiệt mạng, cũng như khả năng xảy ra một “cuộc xung đột mới ở Trung Đông”.

“Ưu tiên của chúng ta phải là tránh một cuộc chiến tốn kém mới”, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhận định.

Thượng nghị sĩ Tom Udall từ New Mexico cáo buộc Tổng thống Trump đẩy nước Mỹ “tới bờ vực của một cuộc chiến bất hợp pháp với Iran”.

“Sự leo thang của những hành động thù địch bất cẩn như vậy có thể vi phạm thẩm quyền phát động chiến tranh của quốc hội, cũng như thỏa thuận của chúng ta với Iraq, đồng thời đặt các lực lượng quân sự và công dân Mỹ vào nguy hiểm, và rất có thể nhấn chìm chúng ta trong một cuộc chiến hủy diệt khác ở Trung Đông mà người Mỹ không mong muốn và cũng không ủng hộ”, ông Udall nói.

Năm ngoái, ông Udall là một thành viên trong nhóm nghị sĩ lưỡng đảng, từng nỗ lực để thông qua một nghị quyết nhằm yêu cầu Tổng thống Trump phải được sự cho phép của quốc hội trước khi phát lệnh tấn công Iran. Tuy nhiên, nghị quyết này vẫn cần có chữ ký của Tổng thống Trump và đã không vượt qua cửa Thượng viện hồi tháng 7.

Thành Đạt

Theo Reuters, New York Times