1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Catalonia ly khai và giấc mộng “bạo phát, bạo tàn”

Cuộc phiêu lưu độc lập của những người ly khai Catalonia dường như đang chấm dứt một cách quá đột ngột.

Đơn độc

Ignacio Casamada có lẽ sẽ không bao giờ nghĩ rằng, đến một ngày, hình ảnh của ông lại được truyền đi khắp thế giới, giọng nói yếu ớt của ông lại được cả triệu người nghe.


Ông Ignacio Casamada.

Ông Ignacio Casamada.

Nhưng trong buổi chiều đầu tuần se lạnh ở quảng trường Jaume, nơi đặt trụ sở Generalitat - chính quyền vùng Catalonia, người đàn ông gần 80 tuổi này đích thực là một ngôi sao truyền thông.

Cuối giờ chiều 30/10, Ignacio Casamada xuất hiện, khoác trên mình lá cờ Catalonia, cắm vào bả vai và cầm trên tay một lá cờ nhỏ khác. Các ống kính camera và máy ảnh lập tức chĩa vào ông. Suốt cả buổi chiều, những người ủng hộ Catalonia đến và đi khỏi quảng trường Jaume một cách lặng lẽ, nhưng không ai dừng lại đủ lâu và tạo đủ cảm xúc như Ignacio. Ông trả lời phỏng vấn, chụp ảnh và cười tươi bằng nụ cười móm mém.

Tất cả chỉ kéo dài trong 30 phút. Khi những lời lẽ tuyên bố rằng Catalonia cần phải độc lập bay đi, cái lạnh khi nắng tắt đưa Ignacio Casamada trở lại hiện thực. Người đàn ông bé nhỏ, lưng cong, tập tễnh bước đi dọc con phố Carrer de Ferran để hướng về La Rambla, bắt tàu điện ngầm số 3 – L3 ở bến Liceu để trở về căn nhà ở ngoại ô Barcelona.

Giống như một thế giới khác bỗng chốc đổ ập xuống đầu, Ignacio Casamada nói rằng ông không nghĩ là Generalitat buổi chiều 30/10, ngày làm việc đầu tiên mà Catalonia mất quyền tự trị, lại vắng vẻ những người ủng hộ độc lập đến thế.

Thực ra, cũng không hẳn là Ignacio đơn độc. Chiều 30/10, Lluis Villacorta cũng đến quảng trường Jaume. Ông thậm chí còn ở lại lâu hơn Ignacio.

Chỉ có điều là nói ít hơn.

Mặc chiếc áo phông trắng nhuộm đỏ, miệng dán băng và hai tay giơ cao tấm biển “Catalonia là một dân tộc bị đàn áp. Cứu!Cứu!”, Lluis Villacorta đã đứng cả buổi chiều trước Generalitat để biểu lộ sự phản kháng.


Ông Lluis Villacorta (thứ 3 từ trái qua).

Ông Lluis Villacorta (thứ 3 từ trái qua).

Nhưng rồi cũng như Ignacio Casamada, ước nguyện của Villacorta chỉ mang lại một vài câu thăm hỏi.

Và những ánh mắt tò mò.

Gáo nước lạnh

Ngày đầu tiên mất quyền tự trị chắc chắn đã không diễn ra như những gì mà những công dân Catalonia muốn ly khai chờ đợi. Sự phản kháng từ các lãnh đạo ly khai rốt cuộc chỉ là các lời lẽ bóng bẩy trên báo chí. Trong cả buổi sáng 30/10, chỉ có 1 nghị sĩ Catalonia đến nhiệm sở và làm đúng những gì tuyên bố, là bất tuân mệnh lệnh từ Madrid.

Nhưng, gáo nước lạnh nhất lại đến từ những đại diện cao nhất. Khoảng 10h sáng, Carles Puigdemont, cựu Thủ hiến và là thủ lĩnh ly khai Catalonia, đăng lên Twitter một tấm hình chụp toà nhà Generalitat với dòng chữ “Bon dia - Ngày mới tốt lành”, như một sự thách thức chính quyền Tây Ban Nha.

3 tiếng sau, tin tức bắt đầu lan truyền: Carles Puigdemont đang ở Brussels. Cùng 5 người khác. Họ đi ô tô sang Marseille, Pháp rồi bắt máy bay sang Brussels. Hoá ra là một cuộc chạy trốn.

Các đảng ly khai bắt đầu phản ứng. Khoảng 15h, bắt đầu là ERC – Cánh tả cộng hoà, tuyên bố sẽ tham gia cuộc bầu cử sớm 21/12. Đến 16h, PdeCat (Dân chủ châu Âu Catalonia) của chính ông Puigdemont, ra thông báo “chúng tôi sẽ tranh cử”.

Tiếp nhận những tin tức này thật không dễ dàng. Léo, một anh chàng Pháp người sống ở Pau, thuộc tỉnh Pyrénéés –Đại Tây Dương, giáp ranh Tây Ban Nha, phẫn nộ: “Như thế là họ phản bội lại chính các tuyên bố của mình”.

Léo là một câu chuyện đặc biệt. Thậm chí là hơi khó tin.

Anh chàng người Pháp này đến Barcelona từ vài ngày trước với một lá cờ Occitanie, và ủng hộ Catalonia độc lập.

Nhưng trước hết cần phải hiểu Occitanie là gì?

Theo giải thích của Leo, đó là một vùng đất rộng bằng 1/3 diện tích nước Pháp, trải dài từ Đông sang Tây ở vùng phía Nam nước Pháp và bao gồm trong đó cả các vùng đất của Tây Ban Nha, Pháp, lẫn Italy. Occitane có nghĩa là có cả Barcelona của Tây Ban Nha, Bordeaux của Pháp lẫn Torino của Italy.

Và đây mới là điều quan trọng nhất: Occitanie cũng đòi độc lập.

Quả là rất hoang đường.

Với những người ly khai Catalonia, mọi thứ ập đến và đi quá nhanh. Tất cả sục sôi rồi đột nhiên biến mất, trong khi cuộc sống thì vẫn tiếp diễn.

Các con phố trung tâm Barcelona vẫn nhộn nhịp đến khuya. La Ramla và chợ Boqueria vẫn chật kín du khách.

Thông tin về các cuộc xuống đường ủng hộ Catalonia độc lập được săn lùng nhưng ít ỏi. Léo kiểm tra các tin nhắn và thông báo, trong ngày 31/10 sẽ có một cuộc diễu hành tại Diagonal.

Nhưng Frédéric, đi cùng Léo, thì không quan tâm lắm. Người đàn ông ngoài 60 hướng câu chuyện sang các chủ đề khác. Về bóng đá. Về Barcelona và Lionel Messi.

Giống như bao người đàn ông sống ở miền giáp ranh Pháp-Tây Ban Nha và luôn tự nhận mình là người Catalonia, với Frédéric- người Pháp, đôi khi đội bóng đá Barcelona quan trọng hơn tất cả.

Nhất là khi Barcelona đang hơn Real Madrid đến 8 điểm tại La Liga như hiện nay.

Theo Quang Dũng

VOV-Paris