1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Catalonia sẽ về đâu?

Catalonia sẽ đối mặt sự cô lập về ngoại giao trên trường quốc tế sau khi đơn phương tuyên bố độc lập.

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất Tây Ban Nha kể từ khi trở về với nền dân chủ 4 thập kỷ trước tiếp tục leo thang theo sau 2 cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm 27-10.

Madrid mạnh tay

Vài giờ sau khi Nghị viện Catalonia bỏ phiếu tuyên bố độc lập, Thượng viện Tây Ban Nha cũng đồng ý cho chính phủ viện điều 155 của bản Hiến pháp 1978 để áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp lên Catalonia.

Chính quyền Thủ tướng Mariano Rajoy lập tức mạnh tay trấn áp động thái ly khai của vùng tự trị Catalonia khi thông báo sa thải chính quyền, giải tán cơ quan lập pháp, miễn nhiệm cảnh sát trưởng tại vùng tự trị này. Madrid cũng thông báo các bộ của chính phủ trung ương sẽ tiếp quản Catalonia, nơi bầu cử mới dự kiến diễn ra vào ngày 21-12 tới.

Dù những mệnh lệnh trên có hiệu lực tức thì nhưng câu hỏi được quan tâm nhiều là chính phủ trung ương Tây Ban Nha thực thi chúng như thế nào? Liệu cảnh sát quốc gia có thực thi lệnh mới hoặc các thủ lĩnh ly khai ở TP Barcelona có chịu lui bước? Ngoài ra, bầu cử mới chưa chắc giải quyết được khủng hoảng bởi nó có thể tăng số lượng người ủng hộ độc lập tại nghị viện. Cũng không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều người Catalan muốn ly khai vì cho rằng Madrid đang quá mạnh tay.

Có một điều khá chắc chắn lúc này là cuộc khủng hoảng đã được nâng lên một "tầm cao" mới với tác động tiêu cực đến an ninh và kinh tế đất nước, nhất là khi những người ủng hộ Catalonia độc lập kêu gọi một chiến dịch bất tuân dân sự. Trước mắt, theo Reuters, các cổ phiếu và trái phiếu Tây Ban Nha đã bị bán tháo sau khi xuất hiện thông tin về 2 cuộc bỏ phiếu, qua đó phản ánh nỗi lo của giới kinh doanh.

Một viễn cảnh rõ ràng khác là Catalonia sẽ đối mặt sự cô lập về ngoại giao sau khi đơn phương tuyên bố độc lập. Mỹ và một số nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức, bác bỏ tuyên bố độc lập của Catalonia cũng như ủng hộ nỗ lực của ông Rajoy nhằm duy trì sự thống nhất của đất nước. Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), nhận định cuộc bỏ phiếu không thay đổi gì và Liên minh châu Âu chỉ làm việc với chính phủ trung ương Tây Ban Nha.


Những người biểu tình kêu gọi tống giam ông Carles Puigdemont, thủ hiến Catalonia vừa bị sa thải, tại Madrid ngày 28-10 Ảnh: REUTERS

Những người biểu tình kêu gọi tống giam ông Carles Puigdemont, thủ hiến Catalonia vừa bị sa thải, tại Madrid ngày 28-10 Ảnh: REUTERS

Nguy cơ xung đột bạo lực

Ngoài tình trạng vô thừa nhận, Catalonia còn đối mặt sự chia rẽ sâu sắc giữa 2 phe ủng hộ và phản đối độc lập. Biểu hiện mới nhất là 53/135 nghị sĩ từ chối bỏ phiếu tại nghị viện, khiến tuyên bố độc lập được thông qua với kết quả 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Trước đó, chỉ 43% cử tri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập hôm 1-10 bởi nhiều người Catalonia đã tẩy chay sự kiện này.

Nhóm ly khai chính, gọi là Hội đồng quốc gia Catalonia, kêu gọi công chức, viên chức không nghe theo lệnh của chính phủ trung ương và tham gia cuộc phản kháng ôn hòa. Mọi chuyện có thể thêm tồi tệ nếu phe đòi ly khai sử dụng đến "vũ khí cuối cùng" là tiến hành đình công, đe dọa làm tê liệt nền kinh tế khu vực đang chiếm khoảng 20% sản lượng kinh tế và tạo ra 25% kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha.

"Người biểu tình có thể ngăn cảnh sát đưa các quan chức Catalonia ra khỏi văn phòng nếu chính phủ trung ương quyết định làm thế. Điều này làm gia tăng nguy cơ xung đột bạo lực với cảnh sát" - ông Antonio Barroso, chuyên gia phân tích rủi ro chính trị tại Công ty Teneo Intelligence (Anh), cảnh báo.

Nguy cơ trên lớn đến đâu còn tùy thuộc Madrid có viện tới vũ lực trong quá trình khôi phục trật tự pháp luật tại Catalonia hay không. Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố hiện không có ý định tiến hành bất kỳ vụ bắt giữ nào tại đó - một động thái cho thấy họ không muốn lặp lại sai lầm như khi ra lệnh cho cảnh sát trấn áp những người ủng hộ Catalonia độc lập trong ngày trưng cầu ý dân.

Ngay cả khi nói không với vũ lực, theo đài BBC, chính quyền ông Rajoy vẫn còn những lợi thế kinh tế mạnh mẽ để gây sức ép lên Catalonia, một trong những khu vực giàu nhất nước. Kể từ khi khủng hoảng nổ ra, Madrid đã tạo điều kiện để doanh nghiệp rời khỏi Catalonia và hơn 1.600 công ty đã đưa trụ sở khỏi đó. Chưa hết, vùng tự trị này còn đang mắc nợ chính phủ trung ương đến 61 tỉ USD.

Theo Hoàng Phương

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm