Căng thẳng với Trung Quốc leo thang, dân vùng biên Ấn Độ thấp thỏm lo âu
(Dân trí) - Người dân tại Ladakh, Ấn Độ giáp Trung Quốc kiến nghị chính phủ cho dời đi vì luôn sống trong nỗi lo xung đột bùng phát, nhất là khi 2 nước liên tục điều quân và xây dựng hạ tầng ở khu vực tranh chấp.
Trong nhiều thế hệ, Gyalson và gia đình vẫn luôn sống ở làng Chushul của Ấn Độ, nơi gần biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Nhưng giờ đây ông Gyalson, người chăn gia súc 50 tuổi thuộc cộng đồng du mục Changpa, đang cân nhắc việc rời đi và định cư ở một nơi khác khi cuộc đối đầu giữa quân đội hai bên vẫn leo thang.
Cục diện khu vực biên giới khiến dân làng lo ngại về một cuộc xung đột toàn diện như vụ việc năm 1962. "Chúng tôi không có quyền đi vào các bãi chăn thả gia súc, gây ảnh hưởng đến kế sinh nhai", ông Gyalson nói.
Căng thẳng biên giới Trung-Ấn gia tăng kể từ tháng 6/2020 sau khi quân đội hai nước đụng độ ở Thung lũng Galwan không người ở, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Đây là trận đối đầu đẫm máu nhất giữa hai nước láng giềng trong 5 thập niên qua.
Kể từ đó, hàng chục nghìn quân bổ sung và vũ khí khổng lồ đã được cả hai bên đổ xô điều đến biên giới, trong một đợt tăng cường quân sự quy mô lớn. Chính phủ Ấn Độ cũng đang thúc đẩy chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực như đường xá, sân bay trực thăng và bãi đáp.
Ấn-Trung đã tổ chức vòng đàm phán biên giới mới nhất hôm 10/10, nhưng không đạt được tiến triển gì.
"Sống trong sợ hãi"
Quân đội Ấn Độ đã tăng cường hiện diện tại làng Gyalson, cách Leh, thành phố chính ở vùng Himalaya hiểm trở, khoảng 200 km về phía đông nam. Những người dân hiện đang yêu cầu chính quyền ở New Delhi giúp đỡ, nói rằng họ không có đủ nguồn lực để rời đi và tái định cư ở nơi khác.
Tháng trước, Konchok Stanzin, Ủy viên hội đồng khu vực, đã gửi thư cho Chủ tịch Hạ viện Om Birla, yêu cầu cấp đất và nơi trú ẩn an toàn cho những người sống ở khu vực biên giới nóng bỏng.
"Tôi cũng đang đặt vấn đề này với các quan chức và bộ trưởng khác. Mọi người đang sống trong sợ hãi và chính phủ sẽ phải làm điều gì đó cho chúng tôi", ông Stanzin nói.
Ông Stanzin cho biết, nhiều người dân càng lo ngại khi chính phủ công bố kế hoạch xây dựng hàng loạt boongke ở những ngôi làng gần Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC). Ủy viên Stanzin cho hay, chi phí xây boongke lên đến 500 triệu rupee (6,6 triệu USD) và nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chính phủ xây dựng hầm boongke quy mô lớn như vậy.
Kể từ cuộc đụng độ ở Galwan, các đại diện dân cử ở Ladakh đã yêu cầu chính phủ xây dựng những boongke kiểu này để đảm bảo an toàn cho những người sống gần biên giới. Quân đội cũng đã xây dựng nhiều boongke hơn trong khu vực để đáp ứng nhu cầu bổ sung quân. Tuy nhiên, dân làng không muốn xây dựng boongke cho họ mà mong muốn được chuyển đến nơi khác.
"Thay vì xây dựng những nơi trú ẩn như vậy thì tốt hơn hết là nên bố trí cho họ sống ở nơi khác. Mọi người thật sự sợ hãi vì căng thẳng vẫn leo thang", ông Stanzin nói thêm.