1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xuất hiện video nghi binh sĩ Ấn Độ bị lính Trung Quốc áp giải

Thành Đạt

(Dân trí) - Một nhà báo Trung Quốc đã đăng video được cho là ghi lại cảnh các binh sĩ Ấn Độ bị quân đội Trung Quốc bắt giữ sau giao tranh.

Xuất hiện video nghi binh sĩ Ấn Độ bị lính Trung Quốc áp giải - 1

Ảnh chụp màn hình video do nhà báo Yang Sheng đăng tải (Ảnh: Weibo).

Một nhà báo của Global Times, tờ báo nhà nước Trung Quốc, ngày 14/10 đã đăng một video lên mạng xã hội Twitter đính kèm hashtag "Xung đột Trung Quốc - Ấn Độ" và "Biên giới Trung Quốc - Ấn Độ".

Đoạn video được cho là ghi lại cảnh các binh sĩ Trung Quốc áp giải các binh sĩ Ấn Độ bị bịt mắt. Bài viết trên Twitter của nhà báo trên không nêu rõ thời điểm đoạn video này được quay.

Truyền thông Ấn Độ trong tháng này đưa tin, Ấn Độ đã bắt giữ khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc đang tìm cách phá hủy các boongke của Ấn Độ dọc theo biên giới tranh chấp được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC). Tuy nhiên, báo Hindustan Times sau đó dẫn một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết, không có binh sĩ Trung Quốc nào bị bắt giữ và cũng không có thiệt hại nào gây ra cho lực lượng phòng thủ.

Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa thống nhất về vị trí của LAC. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng bác tin các binh sĩ nước này đã bị bắt giữ, nhưng cho biết binh sĩ Trung Quốc đã bị quân đội Ấn Độ "cản trở một cách vô lý" khi thực hiện cuộc tuần tra định kỳ vào cuối tháng trước ở biên giới phía Trung Quốc.

Báo China Daily dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cáo buộc phía Ấn Độ đã "cố tình khiêu khích và xúc phạm, đồng thời vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận song phương".

Cuộc đối đầu diễn ra vài ngày trước vòng đàm phán cấp chỉ huy lần thứ 13 của quân đội hai nước ở phía đông Ladakh. Cuộc đàm phán kết thúc mà không đạt được tiến triển nào giữa các bên.

Người phát ngôn quân đội Trung Quốc cho biết: "Phía Trung Quốc đã rất nỗ lực và thể hiện rõ sự chân thành của mình trong việc ngăn tình hình căng thẳng ở biên giới leo thang".

"Nhưng phía Ấn Độ vẫn khăng khăng đưa ra những yêu cầu phi lý và phi thực tế, khiến cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn", người phát ngôn cho biết thêm.

Về phần mình, Ấn Độ đổ lỗi cho Bắc Kinh gây ra căng thẳng thông qua "nỗ lực đơn phương" nhằm thay đổi hiện trạng ở biên giới.

Xuất hiện video nghi binh sĩ Ấn Độ bị lính Trung Quốc áp giải - 2

Hình ảnh trong cuộc đụng độ gây chết người giữa quân nhân Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Himalaya vào tháng 6/2020 (Ảnh: CCTV).

Căng thẳng biên giới bùng phát vào tháng 5 năm ngoái và leo thang thành đụng độ chết người vào tháng 6 tại Thung lũng Galwan ở Ladakh, khiến 4 binh sĩ Trung Quốc và 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.

Kể từ sau cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng". Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới và bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực Ladakh.

Trung Quốc gần đây đã tiến hành một số cuộc tập trận quân sự ở khu vực Tây Tạng và Tân Cương. Các nhà quan sát cho rằng đây là lời cảnh báo đối với Ấn Độ.