Ấn Độ nghi Trung Quốc triển khai lá chắn tên lửa S-400 tới sát biên giới
(Dân trí) - Nghị sĩ phe đối lập ở Ấn Độ đã cảnh báo chính quyền nước này về mối đe dọa tiềm tàng, trong bối cản co nghi vấn rằng Trung Quốc dường như đưa S-400 tới sát khu vực tranh chấp chủ quyền với New Delhi.
Sputnik đưa tin, nghị sĩ đảng Quốc Đại Ấn Độ - đảng đối lập chính tại quốc gia Nam Á, nghi ngờ rằng Trung Quốc dường như đã triển khai tổ hợp phòng không S-400 ở khu vực Ladakh và điều này gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng" tới lợi ích an ninh của Ấn Độ ở khu vực.
"Đây có thể là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc được cho triển khai S-400 ở biên giới. Đó là mối đe dọa tới chúng ta và chính phủ cần thực hiện mọi hành động để đảm bảo tình hình bế tắc ở biên giới được giải quyết", ông Khera phát biểu.
Trước đó, truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin cho hay, Chiến khu Tây bộ của quân đội Trung Quốc dường như đã đưa hệ thống S-400 tới căn cứ không quân Nyingchi, Tây Tạng. Căn cứ này nằm cách Đường kiểm soát thực tế Ấn Độ - Trung Quốc (LAC) khoảng 20 km ở khu vực đông Ladakh.
"Chính phủ nên cần được nhắc lại nhiều lần về mối đe dọa đang rình rập ở biên giới. Trên thực tế, tất cả người dân Ấn Độ phải nhận thức được mối đe dọa ở biên giới. Các máy bay của Ấn Độ ở Jammu, Kashmir và Ladakh nằm cách những tổ hợp S-400 đó bao xa?", ông Khera nhận định.
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ leo thang dồn dập kể từ giữa năm ngoái, sau vụ đụng độ chết người ở tại khu vực Himalaya - nơi 2 bên đều tuyên bố chủ quyền.
Ít nhất 24 người ở 2 bên đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.
Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng". Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới.
Mặc dù vậy, cuộc đàm phán gần đây nhất giữa lãnh đạo quân sự cấp cao về việc tháo gỡ căng thẳng giữa 2 nước diễn ra ngày 10/10 đã kết thúc trong bế tắc. Chiến khu Tây bộ Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ liên tục đưa ra những yêu cầu "vô lý".
Ấn Độ, trong khi đó, cáo buộc rằng những nỗ lực "đơn phương" của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại LAC là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Một tuyên bố chính thức của Ấn Độ sau cuộc họp ngày 10/10 nói rằng, Trung Quốc "không đưa ra bất cứ đề xuất hướng tới tương lai nào" trong khi Ấn Độ đã phát đi những "đề xuất mang tính xây dựng" để giải quyết tình trạng đối đầu giữa 2 bên.
Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức 13 vòng thảo luận cấp chỉ huy quân sự cũng như các cuộc họp cấp cao nhằm giải quyết tình trạng bế tắc kể từ giữa năm ngoái. Các cuộc đàm phán cũng đạt được kết quả nhất định khi 2 nước bắt đầu rút quân từ tháng 2 khỏi khu vực thung lũng Galwan, bờ phía bắc và phía nam của hồ Pangong Tso, và Gogra. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tiếp sau đó đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.