1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cách ông Kim Jong-un “làm chủ cuộc chơi” trong vấn đề Triều Tiên

(Dân trí) - Từ chỗ coi vũ khí hạt nhân là “thanh gươm báu”, ông Kim Jong-un gần đây tuyên bố dừng các vụ thử nghiệm và tiến tới phi hạt nhân hóa. Đây được xem là động thái hoàn toàn gây bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AP)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AP)

Tổng thống Donald Trump gần đây nhận được nhiều lời khen ngợi về vai trò của ông trong việc nắm bắt thời cơ để đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, một số tài liệu ít người biết đã hé lộ rằng chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã lên kế hoạch cho đề xuất phi hạt nhân hóa và mở cửa đối thoại với Mỹ từ 5 năm trước đây.

Bầu không khí ngoại giao đang có những bước tiến triển nhanh vượt bậc khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến gặp mặt vào cuối tháng này hoặc đầu tháng 6. Triều Tiên được cho là sắp thả 3 công dân Mỹ bị bắt giữ và Bình Nhưỡng cũng thông báo kế hoạch đóng cửa khu thử hạt nhân vào cuối tháng này dưới sự giám sát của các quan sát viên Mỹ.

Tình hình hòa dịu bất thường trên bán đảo Triều Tiên đã diễn ra như thế nào? Đó là một câu chuyện phức tạp. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là nhà lãnh đạo Kim Jong-un chính là động lực chính cho tiến trình này.

Ông Kim Jong-un đã theo đuổi không mệt mỏi chiến lược phát triển kép, bao gồm việc sở hữu vũ khí hạt nhân trước khi chuyển hướng sang đối thoại và hiện đại hóa nền kinh tế. Nhà lãnh đạo Triều Tiên từng coi vũ khí hạt nhân là “thanh gươm báu”, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự tồn vong của chính quyền và theo đuổi mục tiêu răn đe hạt nhân với quyết tâm gần như liều lĩnh. Tuy vậy, từ đầu năm nay, ông Kim Jong-un bắt đầu “xuống thang” căng thẳng và nhanh chóng chuyển hướng sang chính sách ngoại giao. Đây được cho là động thái hoàn toàn bất ngờ.

Cây bút David Igantius của Washington Post đã được tiếp cận các tài liệu về Triều Tiên do Robert Carlin, người từng là chuyên gia phân tích tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ và từng đến Triều Tiên hơn 30 lần kể từ năm 1996, cung cấp. Ông Carlin đã nghỉ hưu từ năm 2004 và làm việc tại Đại học Stanford từ đó đến nay.

Tài liệu của ông Carlin cho biết “chiến lược kép”, hay còn gọi là “đường lối byungjin” được đề cập tại hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 3/2013, đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un vạch ra lần đầu tiên từ 2 năm trước khi ông lên nắm quyền hồi năm 2011. Theo chiến lược của ông Kim Jong-un, Triều Tiên vừa muốn nâng cao năng lực vũ khí hạt nhân, đồng thời cải thiện nền kinh tế vốn đang bị đình trệ của nước này. Vào thời điểm đó, Mỹ không chú ý nhiều tới chiến lược này của ông Kim Jong-un vì nhà lãnh đạo Triều Tiên từng tuyên bố ông chưa sẵn sàng thảo luận về việc phi hạt nhân hóa với Washington. Tuy vậy, mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng.

Thay đổi nhanh chóng

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về lãnh đạo Mỹ - Triều (Ảnh: Reuters)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về lãnh đạo Mỹ - Triều (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (NDC) cho biết chính quyền Kim Jong-un bắt đầu đề cập tới việc phi hạt nhân hóa từ ngày 16/6/2013. Mặc dù tuyên bố này vẫn sử dụng những lời lẽ cứng rắn như thường lệ khi gọi Mỹ là “kẻ gieo rắc chiến tranh”, song một số nội dung đã cho thấy sự chuyển biến đáng kể trong lập trường của Bình Nhưỡng.

Tuyên bố của NDC nêu rõ “việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được thực hiện theo mệnh lệnh của lãnh đạo chúng tôi và vấn đề này phải được tiến hành mà không được phép thất bại”. Tuyên bố cũng kêu gọi các “cuộc hội đàm cấp cao giữa Triều Tiên và giới chức Mỹ để thiết lập hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Theo thông tin từ bản ghi chép mật về cuộc trao đổi giữa một quan chức Triều Tiên với các nguồn tin Mỹ nhằm củng cố thêm thông điệp của NDC, “nền móng cho chính sách mới được đề cập trong tuyên bố của NDC xuất phát từ lập trường cá nhân tích cực của ông Kim Jong-un nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ”.

Ngày 6/7/2016, Triều Tiên một lần nữa nhấn mạnh thông điệp phi hạt nhân khi phát ngôn viên của chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố chính sách này là một phần của di sản từ thời các cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il - ông nội và cha của nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un.

“Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là chủ trương của các lãnh tụ tối cao Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, là ý chí vững vàng của đảng, quân đội và nhân dân chúng ta”, tuyên bố nhấn mạnh.

Mặc dù tuyên bố phi hạt nhân hóa, nhưng chính quyền Kim Jong-un trên thực tế vẫn không từ bỏ tham vọng. Năm 2017, Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống. Ngay cả khi ông Trump đưa ra nhiều lời đe dọa cứng rắn, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục các vụ thử của nước này.

Cuối năm 2017, ông Kim Jong-un tuyên bố “Triều Tiên đã hoàn thành sứ mệnh”. Sau vụ phóng tên lửa vào ngày 29/11, ông khẳng định Triều Tiên “tự hào vì rốt cuộc đã hoàn thành sự nghiệp lịch sử là trở thành quốc gia hạt nhân”. Không lâu sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo “nút bấm hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc” và tên lửa của Triều Tiên có thể tấn công mọi mục tiêu tại Mỹ.

Khoảnh khắc bắt tay lịch sử của hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều

Tuy vậy, cũng chính ông Kim Jong-un lại là người thay đổi cục diện. Ông bất ngờ tuyên bố muốn “xây dựng một đất nước phát triển thịnh vượng” và duy trì chính sách ngoại giao với Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đề xuất đưa đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc để “giảm căng thẳng quân sự” và “tạo ra bầu không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

Tiếp sau đề xuất trên là một chuỗi các cuộc gặp mặt, các biện pháp xây dựng lòng tin và những cam kết công khai về việc phi hạt nhân hóa, đồng thời mở đường cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Hồi tháng trước, ông Kim Jong-un tuyên bố tại phiên họp toàn thể của đảng Lao động Triều Tiên rằng “đường lối byungjin” đã thành công rực rỡ và Bình Nhưỡng sẽ chuyển sang “đường lối mới”, trong đó tập trung phát triển kinh tế.

Theo cây bút David Igantius, nhà lãnh đạo Kim Jong-un giống một nhà ảo thuật. Ông sẽ nói cho mọi người biết mình sắp diễn màn ảo thuật gì, sau đó sẽ biểu diễn ngay trước mắt mọi người và để mọi người phỏng đoán bí mật về trò ảo thuật đó. Tổng thống Trump, người luôn tự nhận mình là một nhà đàm phán thông minh và không sợ đối đầu, rốt cuộc đã gặp một đối thủ “xứng tầm” với ông từ Bình Nhưỡng.

Thành Đạt

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm