Các nghị sĩ Mỹ hoan nghênh hoạt động tuần tra ở Biển Đông
(Dân trí) - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain ngày 27/10 đã hoan nghênh quyết định của Nhà Trắng cử tàu chiến tuần tra ở Biển Đông. Ông cho rằng quyết định trên đáng lẽ phải đưa ra từ lâu.
“Tôi rất hài lòng khi Hải quân Mỹ cuối cùng cũng được phép tuần tra an ninh hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp (phi pháp) ở Biển Đông”, Thượng nghị sĩ McCain nói và nhấn mạnh: “Quyết định này đáng lẽ phải đưa ra từ lâu”.
Cũng theo ông McCain, chính quyền của Tổng thống Obama quá chậm trễ trong việc cho phép hoạt động tuần tra trên. Ông thẳng thắn bày tỏ: “Tôi rất thất vọng mặc dù không hề ngạc nhiên khi chính quyền Obama tỏ ra bối rối và không quyết đoán trong vài tháng qua”.
Thượng nghị sĩ McCain còn hối thúc rằng hoạt động tuần tra cần được tiến hành thường xuyên, bởi chỉ như vậy mới cho thấy cam kết mạnh mẽ và nhất quán của Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải ở vùng biển này.
“Để chứng tỏ cam kết mạnh mẽ, cần thực thi các cuộc tuần tra hàng hải và hàng không thường xuyên hàng tuần, hàng tháng để đảm bảo sự hiện diện của Mỹ trên Thái Bình Dương”, ông McCain nêu rõ.
Trong khi đó, nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban các lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, cũng khen ngợi việc Hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục có tên lửa dẫn đường để tuần tra tại Biển Đông.
Ông Randy Forbes nhận xét: “Việc phái tàu chiến Mỹ tới khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp tại Biển Đông là bước đi cần thiết, nhưng phản hồi này quá chậm trễ để đáp trả lại những hoạt động bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông”.
“Luật pháp quốc tế rất rõ ràng, Trung Quốc không có quyền đòi hỏi chủ quyền với vùng biển này. Đã đến lúc chính quyền này (Bắc Kinh) cần tái xác nhận những cam kết của Mỹ về bảo đảm tự do hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương”, ông Randy Forbes nhấn mạnh.
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ đã có những hành động quân sự tương tự hồi năm ngoái để thách thức tuyên bố hàng hải của 18 quốc gia, trong đó có Iran và Trung Quốc.
Vũ Duy
Tổng hợp