1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các láng giềng "đứng ngồi không yên" khi Ấn Độ căng mình đối phó Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Trong khi Ấn Độ tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng Covid-19, các nước láng giềng lo ngại biến thể nguy hiểm có thể lây lan qua biên giới.

Các láng giềng đứng ngồi không yên khi Ấn Độ căng mình đối phó Covid-19 - 1

Các nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19 bên ngoài bệnh viện Guru Teg Bahadur tại New Delhi (Ảnh: Reuters).

Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 29/4, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 380.000 ca mắc mới, tiếp tục lập kỷ lục thế giới, nâng tổng số người mắc Covid-19 ở nước này lên xấp xỉ 18,4 triệu người.

Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 3.645 ca tử vong vì Covid-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tính đến hôm nay, Ấn Độ có tổng cộng 204.832 ca tử vong vì Covid-19. Chỉ tính riêng trong tháng này, Ấn Độ có thêm hơn 6 triệu ca.

K Vijay Raghavan, cố vấn khoa học của chính phủ Ấn Độ, cho rằng chính phủ nước này lẽ ra nên chuẩn bị nhiều hơn nữa trước khi làn sóng Covid-19 thứ hai này ập đến. 

"Chính quyền trung ương và địa phương đã tăng cường cơ sở hạ tầng y tế trong giai đoạn bùng phát làn sóng đầu tiên. Nhưng khi làn sóng đó lắng xuống, sự cấp bách đó cũng giảm theo", ông Raghavan nói.

Làn sóng Covid-19 đang khiến hệ thống y tế của Ấn Độ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Các bệnh viện, đặc biệt ở thủ đô New Delhi, đều trong tình trạng quá tải, từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Nga đã hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ với việc cung cấp ôxy, máy thở, vắc xin và thuốc men.

Các láng giềng đứng ngồi không yên khi Ấn Độ căng mình đối phó Covid-19 - 2
Quân đội Pakistan hỗ trợ thực thi các lệnh hạn chế để phòng dịch Covid-19 (Ảnh: AP).

Ấn Độ có chung đường biên với Pakistan, Nepal, Myanmar, Bhutan và Bangladesh, nhưng công tác quản lý một số đoạn đường biên khá lỏng lẻo, người dân hai bên vẫn có thể qua lại biên giới hàng ngày.

Nepal, nước có chung đường biên với Ấn Độ, ghi nhận số ca Covid-19 bắt đầu giảm từ tháng 2 với trung bình từ 50-100 ca mới/ngày. Tuy nhiên, số người mắc Covid-19 ở nước này bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 4 và hiện giờ trung bình mỗi ngày có hàng nghìn ca.

Số người mắc Covid-19 ở Nepal tăng nhanh một phần là do công dân của họ từ Ấn Độ về nước, Krishna Prasad Poudel, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nepal, cho biết. Một số biến thể, trong đó có biến thể phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và Anh, cũng đã được phát hiện ở nhiều bệnh nhân Covid-19 của Nepal.

Ngoài ra, dịch bùng phát mạnh trở lại ở Nepal còn do các yếu tố khác như các sự kiện đông người vẫn diễn ra, các địa điểm công cộng vẫn mở cửa bình thường.

Để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới, chính phủ Nepal đã ban bố lệnh phong tỏa kéo dài 15 ngày ở một số thành phố lớn, bắt đầu từ hôm nay 29/4. Mặc dù vậy, các bệnh viện ở đây vẫn chịu sức ép lớn. "Bệnh viện không còn giường trống dù mới chỉ là giai đoạn đầu của làn sóng bùng phát", bác sĩ một bệnh viện ở vùng Kathmandu, cho biết.

Bangladesh, một láng giềng khác của Ấn Độ, cũng chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trong tháng 3, và đạt đỉnh vào đầu tháng 4. Số ca Covid-19 ở đây đã bắt đầu giảm sau khi chính quyền áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, đóng băng giao thông hàng không. Đầu tuần này, Bangladesh đã phong tỏa biên giới với Ấn Độ trong vòng 2 tuần mặc dù hoạt động giao thương vẫn diễn ra bình thường.

Tại Pakistan, nguồn cung ôxy cũng đang cạn kiệt dần. Số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 3 và tăng tốc vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, trùng với đợt bùng phát ở Ấn Độ. Riêng ngày 28/4, nước này ghi nhận 201 ca tử vong do Covid-19, đánh dấu ngày chết chóc nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này.

Bộ Y tế Pakistan cho biết, hiện tại nước này chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng virus từ Ấn Độ. Pakistan đã cấm nhập cảnh từ Ấn Độ dưới mọi hình thức kể từ ngày 19/4. Chính phủ Pakistan đã điều động quân đội hỗ trợ thực thi các biện pháp hạn chế nhằm phòng dịch như đóng cửa nhà hàng, các phòng tập gym. Pakistan cũng đóng cửa toàn bộ trường học, cấm các hoạt động đi lại liên tỉnh, du lịch trong dịp lễ Eid vào tháng 5.