Các bệnh viện Ấn Độ "kêu cứu" trước sóng thần Covid-19
(Dân trí) - Hệ thống y tế Ấn Độ đứng trước nguy cơ sụp đổ, các bệnh viện thiếu thốn đủ thứ từ giường bệnh, ôxy, máy thở đến thuốc men khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát mạnh chưa từng có ở đất nước tỷ dân này.
Bệnh viện "kêu cứu"
Hầu hết các bệnh viện ở Ấn Độ đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng thiếu oxy trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19 do số người mắc Covid-19 tăng vượt tầm kiểm soát. Các bệnh viện ở New Delhi hôm 23/4 đã đồng loạt "kêu cứu", đề nghị chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khi họ chỉ còn lượng ôxy đủ dùng cho vài giờ.
Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường nỗ lực cung cấp ôxy y tế cho các bệnh viện bằng cách sử dụng tàu Oxygen Express đặc biệt, máy bay không quân và xe tải để vận chuyển, đồng thời thực hiện các biện pháp miễn thuế hải quan cho việc cung cấp ôxy. Tình trạng khan hiếm ôxy nghiêm trọng đến mức một số bang thậm chí đã triển khai cảnh sát vũ trang để bảo vệ nguồn cung sau các vụ mất trộm bình ôxy.
Các bệnh viện ở phía bắc và tây Ấn Độ, trong đó có New Delhi, đều trong tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu ôxy. "Chúng tôi chỉ còn lượng ôxy đủ dùng 2 giờ", bệnh viện Gâng Ram cho biết trong một thông cáo ngày 23/4. Bệnh viện đang điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân Covid-19 này cảnh báo nguy cơ một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nếu tình trạng này không sớm được khắc phục.
Tại bệnh viện này, 25 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong trong vòng 24 giờ do không được cung cấp ôxy kịp thời, khoảng 60 bệnh nhân nặng khác cũng có nguy cơ tương tự, nhưng may mắn ôxy đã được chuyển đến kịp thời hai giờ sau đó. Trong khi đó, nhiều cơ sở y tế khác vẫn chưa được cung cấp thêm ôxy. Ví dụ, Indian Spinal Injuries Centre, trung tâm y tế đang điều trị cho khoảng 160 bệnh nhân Covid-19, chỉ còn ôxy đủ dùng trong 30 phút. Họ đã phải chờ từ hôm 22/4 để được cung cấp thêm.
Trong một nỗ lực nhằm giúp các bệnh viện giải tỏa khó khăn hiện nay, Tòa án Tối cao Ấn Độ trong tuần này đã đề nghị chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra một kế hoạch quốc gia về cung cấp ôxy cũng như các thuốc men cần thiết cho điều trị bệnh nhân Covid-19.
Về phía các nhà sản xuất, họ cho biết đã tăng năng suất và hiện ôxy sẵn có tại các nhà máy nhưng lại gặp thách thức về việc vận chuyển đến các tâm dịch vì khoảng cách địa lý.
Bệnh nhân chạy đua với tử thần
Giữa lúc các bệnh viện đều quá tải và thiếu thốn trang thiết bị, các bệnh nhân phải đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Haleem Khan, một người dân ở Jhansi, bang Uttar Pradesh, cho biết những ngày qua cô đã chạy đôn đáo hết bệnh viện này đến bệnh viện kia, cả bệnh viện công và bệnh viện tư, với hy vọng tìm được một giường điều trị cho người mẹ 76 tuổi của cô đang mắc Covid-19.
"Bệnh viện nào cũng có hàng chục người rơi vào tình trạng như chúng tôi, phải chật vật vì bệnh viện thiếu ôxy. Nhiều bệnh viện tư nói với chúng tôi rằng, nếu muốn nhập viện thì chúng tôi phải tự lo nguồn ôxy".
Khan đã cố gắng liên hệ với các nhà cung cấp ôxy nhưng không có kết quả. Mẹ của cô cuối cùng đã tử vong hôm 22/4, chỉ 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của Covid-19 là sốt. "Ở Jhansi, hàng trăm người khác cũng đang chật vật xoay xở ôxy như chúng tôi", Khan nói.
"Mọi người đang phải đấu tranh cho sự sinh tồn của mình, cố gắng bảo vệ người thân. Thật đau lòng khi thấy điều này", Bhramar Mukherjee, một giáo sư về dịch tễ tại Đại học Michigan (Mỹ), bình luận khi nói về tình cảnh hiện nay ở Ấn Độ.
Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Liên tục những ngày qua, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất thế giới. Đến nay, Ấn Độ có tổng cộng hơn 16,6 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 189.544 ca tử vong. Các hình ảnh đăng tải trên truyền hình và mạng xã hội ở Ấn Độ cho thấy khung cảnh hỗn loạn ở các bệnh viện quá tải, bệnh nhân xếp hàng dài chờ được điều trị.
Lý do khiến Ấn Độ "thất thủ" trước làn sóng Covid-19 lần này, một phần được cho là do sự xuất hiện của biến chủng virus mới dễ lây lan hơn, nhưng mặt khác do chủ quan phòng dịch. Bất chấp dịch bùng phát, các cuộc vận động chính trị quy mô lớn, các cuộc biểu tình, những bữa tiệc tùng đông người, lễ hội vẫn diễn ra.