Bộ trưởng Pháp: Ukraine có thể mất 15-20 năm để gia nhập EU
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Chính phủ Pháp Clement Beaune, việc kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) có thể kéo dài 2 thập niên.
Trả lời phỏng vấn giới truyền thông hôm 22/5, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của chính phủ Pháp Clement Beaune, quá trình kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ rất phức tạp và có thể kéo dài tới 20 năm.
"Chúng tôi phải trung thực với họ và với công dân của chúng tôi. Nếu chúng tôi nói rằng Ukraine sẽ gia nhập Liên minh châu Âu trong 6 tháng, hoặc trong một hoặc hai năm tới, điều đó sẽ không phải là sự thật vì Liên minh châu Âu đặt ra một số yêu cầu nhất định đối với các ứng viên. Việc kết nạp Ukraine có thể xảy ra trong 15 hoặc 20 năm nữa. Đó là một quá trình dài", Bộ trưởng Beaune cho hay.
Cũng theo ông Beaune, một giải pháp tốt hơn so với việc kết nạp Ukraine, cũng như một số quốc gia khác đang tìm kiếm một mối quan hệ chặt chẽ với EU như Moldova và Georgia, đó là cung cấp một số đặc quyền cho các nước này.
Bộ trưởng Beaune ủng hộ đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập một "cộng đồng chính trị châu Âu" tách biệt với EU, qua đó cho phép các quốc gia bên ngoài EU như Ukraine, tham gia vào việc gìn giữ và bảo tồn các "giá trị cốt lõi của châu Âu".
Theo ông Beaune , một cộng đồng như vậy sẽ mang lại cho người dân Ukraine quyền tự do đi lại và làm việc ở châu Âu và cho phép chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp cận với các quỹ tài chính để khôi phục nền kinh tế và tái thiết đất nước.
Trước đó, Tổng thống Pháp Macron cũng đã bày tỏ quan điểm rằng Ukraine có thể được cấp tư cách ứng cử viên trong một thủ tục được đẩy nhanh, nhưng việc gia nhập Liên minh châu Âu sau đó sẽ mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập niên.
Để giải quyết bất cập này, thay vì hạ thấp các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để rút ngắn thời gian gia nhập cho Ukraine, ông Macron đã đề xuất thành lập một thực thể tồn tại song song với EU nhưng mở cửa với các quốc gia không phải thành viên của Liên minh này.
Theo giải thích của Tổng thống Pháp, "cộng đồng chính trị châu Âu" sẽ mở cửa cho tất cả các quốc gia dân chủ và tôn trọng các giá trị cốt lõi của châu Âu trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, an ninh, năng lượng, giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng và giao lưu nhân dân.
Tuy nhiên, ý tưởng của ông Macron đã vấp phải sự chỉ trích của một số chính trị gia châu Âu như Tổng thống Litva Gitanas Nauseda. Theo ông Nauseda, sáng kiến của Paris là một dấu hiệu cho thấy sự thiếu đồng lòng của châu Âu trong việc kết nạp Ukraine vào EU.