1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bộ trưởng Italy: Viện trợ cho Ukraine không phải vô hạn

An Hoàng

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ không thể chấm dứt bằng giải pháp quân sự bởi nguồn lực viện trợ cho Ukraine hạn chế.

Bộ trưởng Italy: Viện trợ cho Ukraine không phải vô hạn - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto (Ảnh: Reuters).

"Dù chính quyền Thủ tướng Giorgia Meloni muốn kéo dài viện trợ cho Ukraine đến đâu thì chính sách này cũng chỉ đơn giản là không thực tế", Bộ trưởng Guido Crosetto phát biểu với báo chí ngày 8/10.

Ông giải thích, điều này không cho thấy sự thay đổi trong chính sách và sự ủng hộ của Italy dành cho Ukraine, mà vấn đề nằm ở bản chất hữu hạn của nguồn dự trữ quốc gia.

Theo ông Crosetto, "tình hình ở Ukraine đang trở nên phức tạp hơn". Trong khi Kiev gặp khó khăn lớn với việc giành lại lãnh thổ đã mất thì ở chiều ngược lại, Moscow cũng không thể giành thắng lợi hoàn toàn.

 "Cuộc chiến càng kéo dài, khả năng giúp đỡ Ukraine với nguồn lực hữu hạn càng giảm đi. Chúng tôi nhận thấy việc giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự là bất khả thi", Bộ trưởng Quốc phòng Italy nhấn mạnh.

Ông tiết lộ thêm: "Italy đang bận rộn tìm cách thiết lập hòa bình trên bàn đối thoại, tìm kiếm phương án để đưa 2 bên ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev".

Ông cũng cảnh báo: "Nếu Nga chiếm ưu thế ở Ukraine, xe tăng của nước này sẽ tiến về biên giới châu Âu, làm tăng nguy cơ bùng nổ Thế chiến III".

Đầu tháng này, báo Politico dẫn lời một quan chức châu Âu cho biết: "Các quốc gia thành viên EU đã chạm đến giới hạn về số lượng vũ khí mà họ có thể trang bị cho Ukraine mà không ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ quốc gia".

Một quan chức giấu tên chia sẻ với báo giới: "Chúng tôi không thể tiếp tục cho đi từ kho dự trữ của mình".

Cùng thời điểm đó, Politico đưa tin, hiện có những rạn nứt hơn bao giờ hết trong việc viện trợ cho Ukraine.

Bài đăng trích dẫn sự việc quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời không bao gồm gói viện trợ bổ sung cho Ukraine. Ngoài ra, tại châu Âu, chiến thắng của cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người chủ trương ngừng viện trợ cho Kiev, trong cuộc bầu cử mới đây cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn viện trợ cho Ukraine.

Về phía Nga, giới chức nước này tiếp tục khẳng định luôn để ngỏ hòa đàm để chấm dứt xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cũng cáo buộc Ukraine chưa nghiêm túc về triển vọng đàm phán.

Nga bác bỏ công thức hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra cuối năm ngoái, cho rằng đề xuất này "không khác một tối hậu thư" mà Nga sẽ không bao giờ chấp nhận.

Moscow nêu rõ, để hòa đàm, Ukraine trước tiên phải hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Hơn nữa, Nga muốn Ukraine phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Tuy vậy, Kiev khẳng định không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ bất kể cuộc chiến này khó khăn và kéo dài bao lâu.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine