DMagazine

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới

(Dân trí) - Hình ảnh cảnh sát da trắng ghì cổ người đàn ông da màu tới chết tại Mỹ đã thổi bùng làn sóng biểu tình trên toàn thế giới và phơi bày những mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc tại nhiều quốc gia.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới

Hình ảnh cảnh sát da trắng ghì cổ người đàn ông da màu tới chết tại Mỹ đã thổi bùng làn sóng biểu tình trên toàn thế giới và phơi bày những mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc tại nhiều quốc gia.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 1

Các khẩu hiệu “Chúng tôi không thể thở” hay “Người da màu đáng được sống” xuất hiện trong các cuộc biểu tình tại Portland, bang Oregon, Mỹ ngày 3/6.

Khi các cuộc biểu tình bạo lực xảy ra giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd hôm 25/5, các nhà hoạt động tại nhiều nước châu Âu và châu Phi đã tập hợp được hàng nghìn người ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” (Người da màu đáng được sống).

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 2

Người biểu tình tập trung chật cứng trên cầu Morrison ở Oregon, Mỹ để phản đối cái chết của George Floyd.

Các cuộc biểu tình cho đến nay đã lan ra ít nhất 140 thành phố tại Mỹ. Nhiều người biểu tình đã lan truyền khẩu hiệu “Tôi không thể thở”, để gợi nhớ lại câu nói của George Floyd khi anh bị cảnh sát ghì đầu trong 9 phút tại thành phố Minneapolis.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 3

Một phụ nữ viết dòng chữ “Tôi không thể thở” khi biểu tình tại London.

Các cuộc biểu tình đã phơi bày hàng loạt cáo buộc về việc các phạm nhân da màu bị ngược đãi trong tù, đối mặt với sự bất bình đẳng về kinh tế, xã hội, cũng như tình trạng phân biệt chủng tộc từ thời thuộc địa tại các nước châu Âu.

“Nếu các bạn muốn tin rằng chúng tôi, ở Hà Lan, không xảy ra vấn đề phân biệt chủng tộc, thì hãy đi thẳng về nhà”, Jennifer Tosch, người sáng lập công ty lữ hành cung cấp dịch vụ liên quan tới người da màu, nói trước đám đông tại Amsterdam.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 4

Đám đông biểu tình phản đối cái chết của George Floyd tại Amsterdam, Hà Lan.

Tosch và những người khác thậm chí còn so sánh cái chết của George Floyd với cách nô lệ bị đối xử từ nhiều thế kỷ trước.

“Chúng ta chứng nhìn thấy hình ảnh này trước đây khi những kẻ ngược đãi da trắng đã áp bức nô lệ và dùng sắt đóng dấu lên cơ thể họ”, Tosch cho biết.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 5

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát gần Phố Downing, London, Anh.

Tại London (Anh), người biểu tình mang tấm bảng với dòng chữ “Anh không ngây thơ”. Trong khi đó, tại Berlin (Đức), khoảng 2.000 người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ và 2 cầu thủ đã mặc áo có dòng chữ “Công lý cho George Floyd” hôm 1/6.

Một thông điệp tương tự cũng được Dominique Sopo, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Pháp SOS Racisme, phát đi thông qua cuộc biểu tình được tổ chức bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Paris hôm 1/6.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 6

Người biểu tình mang khẩu hiệu đòi công lý cho người da màu ở London, Anh.

“Vấn đề phân biệt chủng tộc của cảnh sát, mặc dù đi kèm hành vi bạo lực ở cấp độ thấp hơn, cũng là vấn đề khiến Pháp quan ngại”, Sopo nói.

Ngày 2/6, cảnh sát tại bắc Paris đã bắn hơi cay để giải tán đám đông biểu tình tưởng nhớ Adama Traore, một người da màu 24 tuổi chết trong chiến dịch của cảnh sát năm 2016.

Giữa lúc phong tỏa vì đại dịch, các nhà hoạt động Pháp cho biết đã xảy ra nhiều vụ ngược đãi của cảnh sát tại các khu vực dân cư thu nhập thấp, trong đó nhiều người có gốc châu Phi.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 7

Cảnh sát Paris đã bắn hơi cay để giải tán đám đông biểu tình tưởng nhớ Adama Traore, một người da màu 24 tuổi chết trong chiến dịch của cảnh sát năm 2016, ngày 2/6.

Tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), hơn 50 người đã đụng độ với cảnh sát hôm 2/6, chỉ ít phút sau khi bắt đầu cuộc biểu tình ủng hộ George Floyd và lên án bạo lực nhằm vào cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.

Ít nhất 5 người đã bị bắt giữ sau khi ẩu đả với cảnh sát được trang bị khiên chắn. Những người biểu tình sau đó đã có các bài diễn thuyết phản đối việc cảnh sát sử dụng vũ lực gây chết người và cấm biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn dịch bệnh.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 8

Người dân đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại thủ đô Nairobi (Kenya), người biểu tình tập trung tại Đại sứ quán Mỹ, mang theo những tấm biển với nội dung “Người da màu đáng được sống” và “Dừng giết người chưa qua xét xử”.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 9

Người da màu biểu tình trước lãnh sự quán Mỹ ở Barcelona, Tây Ban Nha hôm 1/6.

Nafula Wafula, người tổ chức biểu tình, cho biết bạo lực nhằm vào người da màu là vấn đề mang tính quốc tế và đề cập tới các vụ sát hại tù nhân tại Kenya.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 10

Người biểu tình đeo khẩu trang với dòng chữ “Tôi không thể thở” tại Barcelona.

Theo Reuters, các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch trong vài ngày tới tại Gambia, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 11

Người biểu tình hô khẩu hiệu bên ngoài sở cảnh sát Toronto, Canada để phản đối cái chết của người da màu tại Mỹ.

Tại Tây Ban Nha, người biểu tình sẽ tưởng niệm George Floyd và toàn bộ những người đã chết vì nạn phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, các cuộc biểu tình tại Bồ Đào Nha sẽ diễn ra để chứng minh rằng đây không phải là một đất nước phân biệt chủng tộc.

Biểu tình “Tôi không thể thở” gây chấn động thế giới - 12

Đám đông người da màu biểu tình trước đại sứ quán Mỹ ở Copenhagen, Đan Mạch.

Thành Đạt

Ảnh: Reuters