1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Làn sóng biểu tình tại Mỹ lan ra khắp thế giới

(Dân trí) - Người dân tại nhiều thành phố trên thế giới đã xuống đường biểu tình nhằm bày tỏ sự phản đối trước cái chết của công dân da màu bị cảnh sát Mỹ ghì chết tuần trước.

Làn sóng biểu tình ủng hộ người Mỹ da màu lan sang châu Âu
Làn sóng biểu tình tại Mỹ lan ra khắp thế giới - 1

Đám đông biểu tình tại Quảng trường Thời Đại ở New York, Mỹ. (Ảnh: New York Times)

George Floyd, một người đàn ông da màu không vũ trang, đã tử vong hôm 25/5 tại thành phố Minneapolis, Mỹ sau khi bị cảnh sát da trắng ghì đầu trong 9 phút, bất chấp việc Floyd liên tục kêu rằng anh không thể thở được.

Tại Anh, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường tại thủ đô London ngày 31/5, hô khẩu hiệu: “Không bình đẳng! Không hòa bình!”. Đám đông biểu tình tập trung tại quảng trường Trafalgar trước khi diễu hành tới đại sứ quán Mỹ. Tại đây, họ đã đối mặt với hàng rào cảnh sát.

Làn sóng biểu tình tại Mỹ lan ra khắp thế giới - 2

Các nhà hoạt động biểu tình trên đường phố London, Anh trong khi cầm theo các tấm bảng đòi công bằng cho George Floyd. (Ảnh: Shutterstock)

Cùng ngày, nhiều người biểu tình đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, trong khi hàng trăm người cũng tập trung tại thủ đô Berlin, Đức trong ngày biểu tình thứ hai liên tiếp. Họ mang theo những khẩu hiệu như: “Im lặng là bạo lực”, “Yêu cầu cảnh sát chịu trách nhiệm” hay “Bạn gọi cho ai khi cảnh sát giết người”.

Người biểu tình tại Đức cũng kéo đến khu vực bức tường Berlin, vẽ chân dung của George Floyd kèm dòng chữ “Tôi không thở được”. Đây cũng là những lời Floyd đã nói trong lúc bị cảnh sát ghì đầu trước khi tử vong.

Làn sóng biểu tình tại Mỹ lan ra khắp thế giới - 3

Người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Berlin, Đức ngày 31/5. (Ảnh: DPA)

Hôm nay 1/6, ít nhất 4 cuộc biểu tình đã diễn ra tại New Zealand, trong đó nhiều người đã quỳ gối tập thể tại thành phố Auckland. Hàng chục nghìn người đã diễu hành từ quảng trường Aotea, trung tâm Auckland, tới đại sứ quán Mỹ. Họ mang theo các tấm bảng với khẩu hiệu “Hãy đối xử tốt” hay “Im lặng là Phản bội”.

Làn sóng biểu tình tại Mỹ lan ra khắp thế giới - 4

Người biểu tình phản đối trước cái chết của George Floyd ở Auckland, New Zealand. (Ảnh: Xinhua)

Khoảng 500 người cũng tập trung tại thành phố Christchurch và tòa nhà quốc hội ở thủ đô Wellington, cầu nguyện cho những người Mỹ chết vì nạn phân biệt chủng tộc. Christchurch cũng là nơi xảy ra vụ thảm sát do một kẻ tôn sùng thuyết da trắng thượng đẳng thực hiện khiến 51 người thiệt mạng hồi năm ngoái.

Tại Australia, một cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào chiều 2/6 tại thành phố Sydney đã bị hủy. Tuy nhiên, hàng nghìn người vẫn đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình tương tự tại nhiều thành phố ở Australia như Melbourne, Brisbane và Adelaide.

Làn sóng biểu tình tại Mỹ lan sang New Zealand

Các nhà hoạt động trên toàn thế giới kêu gọi tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối vấn nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của người đàn ông da màu tại Mỹ. Nhiều người đã kêu gọi biểu tình tại quảng trường Dam tại Amsterdam, Hà Lan trong ngày hôm nay.

Người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat cho biết cái chết của Floyd “tái khẳng định sự phản đối của Liên minh châu Phi đối với các hành vi phân biệt chủng tộc liên tiếp nhằm vào các công dân da màu tại Mỹ”.

Hiện chưa có phản ứng chính thức của người dân Nhật Bản về vụ việc xảy ra tại Mỹ. Tuy nhiên, hàng trăm người ngày 30/5 đã biểu tình trước sở cảnh sát Shibuya sau khi xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh 2 sĩ quan cảnh sát sử dụng vũ lực trong lúc thẩm vấn một người đàn ông người Kurd trên phố do vi phạm luật giao thông.

Làn sóng biểu tình tại Mỹ lan ra khắp thế giới - 5

Người biểu tình phản đối cảnh sát sử dụng vũ lực tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Anadolu Agency)

Khoảng 200 người biểu tình nước ngoài và người Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối trước cái chết của Floyd, đồng thời cáo buộc cảnh sát phân biệt chủng tộc và sử dụng vũ lực không cần thiết nhằm vào người dân.

Vụ việc liên quan tới người đàn ông da màu tại Mỹ đã dẫn tới các cuộc biểu tình hàng loạt tại ít nhất 140 thành phố tại Mỹ, biến nhiều khu vực thành vùng “chiến sự”. Hơn 40 thành phố đã áp lệnh giới nghiêm để ngăn chặn biểu tình và các hành động phá hoại, cướp bóc tài sản.

Thành Đạt

Theo Guardian, AFP